Từ bản vẽ đến công trình là một khoảng cách không hề nhỏ. Ai làm thiết kế cũng biết điều này. Công trình trong quá trình thi công cho đến khi hoàn thiện ít nhiều đều có sự điều chỉnh thay đổi không giống như thiết kế ban đầu. Thực tế không đúng như bản vẽ, đó là một… thực tế! Dù không muốn ta cũng phải chấp nhận ở một mức độ nào đó. Khách quan mà nói, không phải lúc nào việc thay đổi so với thiết kế ban đầu cũng là tiêu cực hay không tốt. Trong rất nhiều trường hợp sự thay đổi đó làm cho công trình tốt hơn. Điều quan trọng nhất của kiến trúc sư là phải lường trước và kiểm soát được những sự thay đổi thiết kế.
Khi chủ nhà làm “đạo diễn”
Khi bắt đầu khởi động chuyện xây nhà, nhiều ông chủ bà chủ đều không biết phải làm như thế nào để từ mảnh đất với những kích thước như thế có thể đặt lên đó một ngôi nhà với những yêu cầu, nhu cầu của chính mình đề ra. Loại trừ những trường hợp chủ nhà tự vẽ, tự xây (với những bản vẽ đơn giản, yêu cầu công năng không quá khó) thì việc mời kiến trúc sư là điều cần thiết. Sau quá trình tư vấn, lên phương án sơ bộ, rồi triển khai thiết kế kỹ thuật là giai đoạn thi công.
Khi chủ nhà làm “đạo diễn”
Khi bắt đầu khởi động chuyện xây nhà, nhiều ông chủ bà chủ đều không biết phải làm như thế nào để từ mảnh đất với những kích thước như thế có thể đặt lên đó một ngôi nhà với những yêu cầu, nhu cầu của chính mình đề ra. Loại trừ những trường hợp chủ nhà tự vẽ, tự xây (với những bản vẽ đơn giản, yêu cầu công năng không quá khó) thì việc mời kiến trúc sư là điều cần thiết. Sau quá trình tư vấn, lên phương án sơ bộ, rồi triển khai thiết kế kỹ thuật là giai đoạn thi công.
Một thiết kế lan can cầu thang sử dụng trụ thép, kính và tay vịn gỗ. Thực tế chủ nhà và kiến trúc sư đồng thuận đổi sang vách kính toàn bộ để cho thoáng hơn.
Nếu như ban đầu, chủ nhà không biết bắt đầu từ đâu, mọi suy nghĩ, nhu cầu không được cụ thể hoá để nhìn thấy (bản vẽ), thì sau khi cầm hồ sơ thiết kế trong tay, mọi vấn đề đã sáng tỏ hơn nhiều. Nói cách khác, kiến trúc sư là người đã khai thông sự bế tắc ban đầu đó. Và ngay sau đó, chuyện không vui hay xảy ra là chủ nhà sẽ tự ý điều chỉnh trên cơ sở hồ sơ đã có trong tay. Việc thay đổi này có thể ở nhiều mức độ khác nhau, cho nhiều kết quả khác nhau, xấu nhiều hơn là tốt. Bản vẽ phương án kiến trúc, thậm chí cả bản vẽ kỹ thuật thi công khi đó chỉ có chức năng… tham khảo. Dù là chủ nhà đã trả thiết kế phí hay chưa, thì việc yêu cầu chủ nhà làm đúng bản vẽ không dễ, vì thiếu hành lang pháp lý cho kiến trúc sư cùng nhiều vướng mắc khác về mặt xã hội. Nhưng ngược lại, khi bản vẽ có vấn đề, nhiều khi kiến trúc sư lại bị chủ nhà “hành” đến đau đầu.
Chuyện chưa hết. Nếu như chủ nhà cầm bản vẽ, tự điều chỉnh và “đạo diễn” trong quá trình thi công, gạt vai trò của kiến trúc sư và những giá trị chuyên môn, pháp lý của bản vẽ ra ngoài, thì kiến trúc sư… càng nhàn, dẫu có buồn. Bi kịch hay xảy ra ở chỗ: khi chủ nhà tự điều chỉnh có vấn đề không giải quyết nổi, lại gọi kiến trúc sư. Lúc đó quả thật là kiến trúc sư và cả chủ nhà đều… bỗng dưng muốn khóc!
Thực tế là... thực tế!
Thiết kế đã xong, hồ sơ đã chuyển ra công trường để thi công. Nhưng cũng có những trường hợp kết quả khác với bản vẽ. Không phải chủ nhà tự sửa, cũng không phải bản vẽ chỉ để tham khảo. Lý do là chủ nhà có những nhu cầu mới, hoặc nhu cầu thay đổi nhiều khi là sự xung đột ý kiến giữa các thành viên trong gia đình, mà ý kiến của người thắng cuộc khác với ý kiến thống nhất khi thiết kế. Ý kiến của thầy phong thuỷ cũng có tác động khá nhiều tới chủ nhà, thậm chí có thể làm đảo lộn phương án thiết kế.
Những trường hợp này kiến trúc sư thường phải vẽ lại, hoặc đưa ra tư vấn, giải pháp mới, tuy có mệt và mất thời gian nhưng vẫn được tôn trọng, và quan trọng hơn là vẫn kiểm soát được công trình để đưa ra giải pháp tốt nhất. Có thể lấy ví dụ như thay đổi kích thước dài rộng hay chất liệu cửa, thay đổi kiểu lan can cầu thang, thay đổi hình dáng hay chiều cao một mảng tường trang trí. Trường hợp này cũng hay liên quan đến vấn đề kinh tế, chi phối chủng loại vật liệu. Người viết bài này đã từng phải “xoá sổ” nhiều lần bản vẽ lát sàn (gạch ceramic) với những tính toán décor công phu, chỉ vì sau khi cân nhắc và tham khảo nhiều nơi, chủ nhà đã mạnh dạn quyết định dùng sàn gỗ, chấp nhận chi phí cao hơn (mặc dù ban đầu đã được tư vấn). Hay trường hợp khác, một kiến trúc sư đã vẽ xong chi tiết lan can cầu thang; nhưng chủ nhà đang muốn một sự tối giản, đã đề xuất cùng kiến trúc sư, và họ cùng thống nhất với giải pháp vách kính trong suốt thay cho lan can cầu thang bằng thép – kính – gỗ.
Mặt bằng bể bơi ở thiết kế ban đầu có hình chữ nhật, nhưng khi thi công kiến trúc sư đã chủ động điều chỉnh thiết kế sang một hình cong tự do và mềm mại hơn.
Những thay đổi nhu cầu, ý thích của chủ nhà không hiếm, có thể nó sẽ là yếu tố tích cực để làm cho công trình tốt hơn. Nhưng cũng thật tệ hại nếu chủ nhà không vững lập trường, tham khảo nhiều và thay đổi nhiều nơi nhiều chỗ, thay đổi liên tục. Chuyện này cộng với việc kiến trúc sư kém bản lĩnh, gật đầu chiều theo thì hẳn công trình sẽ bị chắp vá, không còn thống nhất nữa.
Khi chủ nhà liệu cơm gắp mắm
Từ khi kiến trúc sư đặt bút thiết kế cho tới hạng mục thi công cuối cùng của một ngôi nhà kết thúc, thời gian có thể tính bằng năm. Trong thời gian đó có rất nhiều sự thay đổi ở thị trường vật liệu xây dựng và thiết bị. Nếu biến động lớn về giá cả (thường là tăng cao, ít khi giảm), có thể ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình và kết quả thi công. Không ít chủ nhà phải liệu cơm gắp mắm rút bớt quy mô, bỏ bớt hạng mục, thay chủng loại vật liệu rẻ hơn cho hợp túi tiền. Kiến trúc sư lại thêm mệt khi chỉnh sửa thiết kế, ít nhiều cũng thông cảm với chủ nhà. Khi thiết kế phần hoàn thiện, đặc biệt là ốp lát hay lựa chọn thiết bị, kiến trúc sư thường dựa trên những mẫu mã ở catalogue do nhà sản xuất đưa ra. Tuy nhiên tới thời điểm thi công, không phải mẫu nào cũng còn. Việc các nhà sản xuất hết hàng, huỷ mẫu là thường xuyên. Lúc đó lại phải chọn một chủng loại vật liệu, thiết bị tương tự, có thể của hãng khác. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà ưu tiên yếu tố nào giống hoặc gần giống với thiết kế ban đầu như chất liệu, kích thước, màu sắc…
Cũng có khi vào thời điểm thiết kế, chưa có loại vật liệu hay giải pháp này. Nhưng nó lại xuất hiện trước khi thi công hạng mục đó, với những ưu điểm vượt trội. Và có thể chính kiến trúc sư sẽ chủ động tư vấn cho chủ nhà sử dụng loại vật liệu/ thiết bị hay giải pháp mới thay thế thiết kế ban đầu.
Do thiết kế và thi công
Việc thi công khác thiết kế là điều người thiết kế – kiến trúc sư không hề muốn. Vì điều đó vừa làm sai lệch, méo mó tác phẩm của tác giả; vừa gây phiền hà mất thời gian phải liên đới giải quyết. Nhưng một cách khách quan phải thừa nhận rằng chuyện thiết kế bị thay đổi do chính lỗi của thiết kế cũng là… bình thường. Việc chưa nắm rõ đầu bài và yêu cầu của khách hàng, việc tính toán sai khi thiết kế kỹ thuật, hoặc thiếu kiểm soát chặt chẽ khi người chủ trì giao cho hoạ viên khai triển… đều có thể cho xuất xưởng bản vẽ thiết kế sai, lỗi… bắt buộc phải chỉnh sửa khi thi công. Những sự cố như thế này có thể do kiến trúc sư non tay, trình độ kém, thiếu kinh nghiệm; nhưng cũng có thể do quy trình quản lý thiết kế – triển khai bản vẽ (ở các văn phòng, công ty tư vấn thiết kế) chất lượng chưa cao. Những lỗi thiết kế đương nhiên kiến trúc sư phải chịu trách nhiệm và phải giải quyết, ở cả góc độ đạo đức nghề nghiệp và pháp lý được quy định trong nội dung giám sát tác giả. Điều làm nhiều kiến trúc sư hơi buồn, như đã nói ở phần đầu; là tình trạng khi tự ý thay đổi thì không hỏi gì kiến trúc sư, đến khi có sự cố thì đòi kiến trúc sư giải quyết (giùm!); và khi kiến trúc sư gặp lỗi thiết kế thì “hành” kiến trúc sư quá mức.
Ở bản vẽ cửa này, người thiết kế đã vẽ tách lớp để thể hiện một lớp xương kết cấu (thép), một lớp vật liệu che phủ (tôn). Lớp tôn phía trước được thể hiện bằng đường cong tự do (không có kích thước, bán kính). Tuy nhiên người thi công do không biết nguyên tắc thể hiện bản vẽ này đã nhầm tưởng ý đồ tạo hình và thực hiện đúng hình dáng đường cong với những kích thước nội suy.
Đôi khi, không phải do thiết kế bị lỗi, mà vẫn có sự thay đổi. Ấy là khi kiến trúc sư tìm được một phương án hay hơn, giải pháp hợp lý hơn thiết kế đang có. Nếu như chủ nhà đồng thuận (thường là như vậy) thì chuyện điều chỉnh thiết kế khi thi công sẽ không gặp trở ngại nhiều.
Sau thiết kế là chuyện thi công. Chuyện này là chuyện dài, khá là khó chịu nhưng cũng thú vị. Với thực trạng xây dựng nhà ở dân dụng hiện nay, trình độ quản lý thi công còn hạn chế do cả phương thức và nhân lực; thì việc thi công sai lệch bản vẽ thường làm các kiến trúc sư phát khùng, bởi nhiều khi sai rất vô lý và ngớ ngẩn. Hậu quả có thể nhẹ, dễ xử lý, hoặc có thể trầm trọng mà việc xử lý khó khăn tốn kém. Trong trường hợp sau, chủ nhà hay xót của nên tặc lưỡi chấp nhận, tức là không chỉnh sửa theo đúng thiết kế. Các công ty xây dựng ở mảng nhà ở nhỏ không nhiều, chủ nhà cũng ít khi thực hiện theo phương thức lựa chọn nhà thầu chuyên nghiệp (do chi phí cao) mà hay thuê những đội thợ xây dựng tự do. Nhiều anh chủ thầu tay ngang không đọc nổi bản vẽ, chỉ huy thợ thi công theo thói quen, cộng với sự “sáng tạo” hồn nhiên đã làm thực tế công trình xa rời bản vẽ thiết kế. Trình độ hạn chế, tư duy làm việc cũ cùng với sự vô trách nhiệm nhiều khi cho hậu quả nặng nề. Có anh cai làm sai cả cái sàn bêtông, gãi đầu hồn nhiên rằng: tại xem… nhầm bản vẽ tầng dưới. Có anh thợ điện đi thiếu dây đèn thang, thành ra chỉ bật/tắt được một phía; cũng cười: tại… quên. Thật hết biết!
Có kiến trúc sư mệt mỏi nói rằng: Vẽ một bản vẽ kỹ thuật sơ sài thì không đành (vì lương tâm nghề nghiệp), và sản phẩm không kỹ thì cũng khó làm khách hàng tươi cười khi thanh toán. Nhưng bản vẽ chỉ được sử dụng 30 – 40%, phần còn lại không được sử dụng. Hầu hết các quy định, chỉ dẫn thi công, chỉ định vật tư, các chi tiết phóng to… chỉ để… làm bản vẽ thêm đẹp. Đó là sự thật! Có thể gặp rất nhiều các chỉ dẫn trong các bản vẽ thiết kế kỹ thuật không được thực hiện (mà có phần khá nguy hiểm là làm xong không biết). Ví dụ như: “Thực hiện chống thấm sàn và chân tường vệ sinh trước khi ốp lát”, “bậc thang xây gạch đặc”, “chờ thép từ dầm cho lanh tô cửa sổ”… Những yêu cầu kỹ thuật đó nhà thầu thi công có khi không thèm đọc, hoặc đọc mà không thèm làm, vì cho rằng không làm… không sao (?). Cũng có thể do nhà thầu báo giá trọn gói cả vật tư và nhân công (khi chưa xem kỹ thiết kế), nay làm đúng thì sẽ chi phí nhiều hơn.
Thái độ làm việc chưa chuyên nghiệp trong thi công, đặc biệt là thiếu tôn trọng thiết kế cũng là một nguyên nhân làm cho thực tế công trình xa rời bản vẽ. Khi có vấn đề, lẽ ra mời kiến trúc sư đến cùng bàn bạc giải quyết, nhưng nhiều anh thi công đã qua mặt thiết kế, tự ý làm theo cách của mình, hoặc tư vấn cho chủ nhà giải pháp. Đương nhiên là đa phần các giải pháp này đều không phải tối ưu, thậm chí rất tệ, vì không ai có thể có cái nhìn tổng quan như vị trí của kiến trúc sư. Thêm nữa là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Thay vì việc phải làm đúng và làm cho thiết kế tốt nhất, thì các nhà thầu thi công hay cố tình chỉnh sửa sao cho dễ, cho nhanh và đỡ tốn kém cho mình. Hậu quả là kiến trúc sư phải đi thanh minh rằng: cái này thiết kế khác, không như thi công…
Trong quá trình thi công, những chuyện sai lệch bản vẽ (không phải do chủ nhà chủ động điều chỉnh) có thể giảm thiểu bằng cách bố trí người giám sát có chuyên môn; song song với việc tác giả thiết kế phải “đảo” công trình thường xuyên để phát hiện và điều chỉnh kịp thời những sai lệch đó.
Thái độ làm việc chưa chuyên nghiệp trong thi công, đặc biệt là thiếu tôn trọng thiết kế cũng là một nguyên nhân làm cho thực tế công trình xa rời bản vẽ. Khi có vấn đề, lẽ ra mời kiến trúc sư đến cùng bàn bạc giải quyết, nhưng nhiều anh thi công đã qua mặt thiết kế, tự ý làm theo cách của mình, hoặc tư vấn cho chủ nhà giải pháp. Đương nhiên là đa phần các giải pháp này đều không phải tối ưu, thậm chí rất tệ, vì không ai có thể có cái nhìn tổng quan như vị trí của kiến trúc sư. Thêm nữa là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Thay vì việc phải làm đúng và làm cho thiết kế tốt nhất, thì các nhà thầu thi công hay cố tình chỉnh sửa sao cho dễ, cho nhanh và đỡ tốn kém cho mình. Hậu quả là kiến trúc sư phải đi thanh minh rằng: cái này thiết kế khác, không như thi công…
Trong quá trình thi công, những chuyện sai lệch bản vẽ (không phải do chủ nhà chủ động điều chỉnh) có thể giảm thiểu bằng cách bố trí người giám sát có chuyên môn; song song với việc tác giả thiết kế phải “đảo” công trình thường xuyên để phát hiện và điều chỉnh kịp thời những sai lệch đó.
Theo ý đồ tác giả, phía đầu giường có hai dải gạch kính hai bên giường để trang trí và lấy sáng. Tuy nhiên khi thi công, dải gạch kính bên phải đã “soi” vào một nhà hàng xóm và người hàng xóm khó tính này nhất quyết không đồng ý. Chủ nhà vẫn thích phương án thiết kế này, nên tạm thời chiều lòng hàng xóm bằng cách lót xốp phía ngoài và trát bịt lại; rồi chờ một thời điểm thuận lợi nào đó để “bung” ra.
Và những lý do khách quan khó kiểm soát
Chủ nhà thay đổi, kiến trúc sư vẽ lỗi, thi công làm sai… Đó là những nguyên nhân để kết quả cuối cùng không như dự kiến ban đầu. Nhưng cũng có những lý do rất khách quan mà không thể lường trước nổi, không thể kiểm soát nổi. Chỉ có đến lúc đó mới biết, mới chạm và bắt buộc phải cùng nhau xử lý căn cứ vào tình hình thực tế.
Cách đây vài năm, ở công ty cũ, người viết bài này cùng một vài đồng sự, cộng sự tham gia thiết kế biệt thự của một người nước ngoài ở ngoại thành Hà Nội. Sau khi thiết kế kỹ thuật xong xuôi, chủ nhà buồn rầu tới văn phòng thiết kế thông báo là mới công bố quy hoạch khu vực đó. Đất (dự kiến xây dựng) nhà ông sẽ bị thu hồi khoảng 50% để làm hạ tầng. Dẫu là đất thu hồi có bồi thường, và nhà thì chưa xây, nhưng giấc mơ về ngôi biệt thự đã thành mây khói vì phần đất còn lại quá nhỏ. Và tất nhiên các bản vẽ cũng không còn giá trị để thi công…
Đấy là chuyện của nhà nước, chính quyền. Còn chuyện của dân lại càng rắc rối. Ở những khu dân cư phức tạp về địa hình, giao thông, quan hệ… thì xây nhà là một điều cực khổ. Nhẹ thì càu nhàu phàn nàn, gây khó dễ; nặng thì tố cáo, kiện cáo tùm lum. Kiến trúc sư cũng không thoát nổi mấy sự vụ này. Nào là: “Anh ơi, hàng xóm không cho đưa bancông ra như thế, giờ sao hả anh?”, “Hàng xóm không cho mở cửa sổ to thế, giờ thu nhỏ lại thế nào?”, “Nhà đối diện không đồng ý cục nóng điều hoà nhà mình thổi sang đó…” v.v. Có những chuyện kiến trúc sư phải xắn tay giải quyết, nhưng nhiều chuyện chả liên quan, hoặc không phải trách nhiệm mà chủ nhà cứ ơi ới làm kiến trúc sư điên cả đầu, mất thời gian.
Hoặc có những chuyện nghe cả bi thương lẫn hài hước, tưởng như không liên quan đến chuyên môn mà lại ảnh hưởng nặng – cụ thể là phải sửa đổi thiết kế. Ví dụ như vài chuyện mà người viết bài và các đồng nghiệp đã từng gặp phải: gia đình có người ốm đau bất chợt, phải chi phí nhiều nên cắt giảm kinh phí xây nhà, sửa đổi thiết kế; gia đình làm ăn thua lỗ, cũng thay đổi chủ trương đầu tư xây dựng; có người lại tự nhiên “trúng quả” đúng thời điểm chuẩn bị xây, nên yêu cầu kiến trúc sư làm tất cả mọi thứ xịn hơn thiết kế hiện tại…
Từ bản vẽ đến công trình, từ thiết kế đến thi công… luôn có khoảng cách, luôn sai lệch và không giống nhau. Không nên cho đó là vấn đề tiêu cực, mà nên nắm bắt và kiểm soát nó, giảm thiểu yếu tố tiêu cực và phát huy yếu tố tích cực khi có cơ hội. Kiến trúc, và kiến trúc sư cũng phải thích nghi với các vấn đề xã hội. Đó chính là cuộc sống!
(Theo ashui.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét