Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Kiến trúc sư tây? Kiến trúc sư ta?


Trong một cuộc họp cử tri, tôi có nói đến thiết kế nhà Bảo tàng Hà Nội. Ông Chủ tịch HĐND TP Hà Nội lúc ấy trả lời: “Việc này lãnh đạo TP đã xem xét ký, đã thuê tư vấn nước ngoài”. Ông còn giảng giải thêm về tư vấn nước ngoài.

Tôi tỏ ý không vui vì chiếc áo sơ mi trắng, cổ cứng, măng xéc gập, vợ tôi cau mặt chỉ vào cái nhãn hiệu Pierre Cardin gắn trên vai áo: “Anh có biết thương hiệu này là gì không?”.

Cả hai trường hợp trên là vấn đề xã hội nghệ thuật lớn, dưới bó hẹp trong sinh hoạt, khác nhau nhiều, nhưng giống nhau ở một ý lớn: “Thương hiệu nước ngoài đừng có thắc mắc gì”.

Cũng thế, các nhà đầu tư nước ngoài quảng cáo các khu nhà ở, các căn hộ họ bỏ vốn xây dựng bằng một cụm mỹ từ: “Không gian sống Châu Âu. Căn hộ cao cấp”. Tác giả là các tên tuổi không quen thuộc.

Năm 2004, trong một cuộc trao đổi với các chuyên gia Đức về phương án thiết kế Trung tâm Hội nghị Quốc gia, bạn đặt câu hỏi: “Thế nào là tính dân tộc trong kiến trúc Việt Nam?”. Với sự cộng tác của các chuyên gia Việt Nam, bạn đã thành công. Chúng ta cũng rút ra được những cần thiết cho sáng tác kiến trúc hiện đại.

Cùng với xu thế hội nhập, KTS bốn phương đổ vào Việt Nam và các thành phố lớn ngày càng nhiều và dần dần có chỗ đứng vững chắc trong lòng quan chức và nhân dân Việt Nam. Thế nhưng tất cả không phải đều chiếm thế thượng phong. Nhớ lại hồi còn mồ ma thực dân Pháp trong nô dịch văn hoá, kinh tế của Pháp, nhân dân ta thường truyền nhau từ ngữ: “Tây thuộc địa”, để chỉ những người nước ngoài không có tài nhưng ỉ vào cái mác “Tây” lũng đoạn thị trường, lũng đoạn văn hoá, cả những người Việt thiếu hiểu biết, vì xu nịnh hoặc tầm nhìn hạn hẹp chỉ thích của Tây. Chuyện kể lại cho vui thôi, chứ khập khiễng vậy so sánh sao được. Lúc ấy chúng ta là nô lệ, bây giờ chúng ta là chủ, dang tay đón bầu bạn hội nhập, tư thế khác nhau một trời một vực.

Nghe nói chẳng biết độ tin cậy đến đâu, có trường hợp KTS chẳng làm ăn được ở bên kia nửa trái đất bèn khoác áo thương hiệu nào đó sang tung hoành trên đất Việt. ở Hà Nội khu nhà ở The Manor, Ciputra bị chỉ trích khá nhiều. Trung tâm Tràng Tiền Plaza tuy được trao giải thưởng kiến trúc năm 2004 nhưng cũng không ít điều tiếng. Nếu quy hoạch xây dựng thị trấn nghỉ mát Sapa do KTS Pháp thiết kế được giới nghề tôn trọng, được chính quyền khen ngợi, tư duy quy hoạch hiện đại, hành nghề chuyên nghiệp, thì trụ sở Bộ Tài chính góc đường Phan Chu Trinh - Trần Hưng Đạo cũng là tác giả Pháp, lại là cái gai nhức nhối cho văn hoá Việt Nam. Ngược dòng thời gian khoảng 1939 - 1940, cuộc thi thiết kế Việt Nam Học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật đoạt giải Nhì (giải Ba là KTS Pháp). Và sau đó Đài trận vong chiến sĩ ở Lạng Sơn, KTS Ngô Huy Quỳnh và nhà điêu khắc Trần Văn Lắm đoạt giải Nhất. Tôi rất thích thú và tự hào về ga hàng không Nội Bài, do tác giả Việt Nam thiết kế với sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài về những công nghệ chúng ta còn chưa thành thạo. Một cách làm ăn thích hợp là tận dụng tư vấn kỹ thuật, công nghệ mà chúng ta chưa có, đó là cách đào tạo chuyên gia nhanh và rẻ. Có thể giải pháp này trước mắt có những khó khăn nhưng nhìn xa hơn, rộng hơn, cái lợi là lớn, để chúng ta ngày càng đứng vững, ngày càng trưởng thành. Trên dải đất rộng cả ngàn mét vuông ven hồ Tây, một quan chức Hoa Kỳ đã cho dựng ngôi nhà 1 tầng, lắp ráp từ những gian nhà gỗ đồng bằng Bắc bộ, đương nhiên có bổ sung thêm các thành phần thiết yếu, tiện nghi phù hợp với lối sống hiện đại. Vậy là không gian sống Việt Nam đang nhiều sức hấp dẫn đâu phải cứ không gian sống Châu Âu. Để thiết kế tổ hợp nhà này đương nhiên có bàn tay KTS Việt Nam.

Công trình trụ sở Bộ Tài chính

Mở cửa tư vấn kiến trúc tạo thuận lợi cho tư vấn nếu ta có điều kiện tiếp cận tinh hoa thế giới với nhiều văn hoá khác nhau, với những trào lưu kiến trúc, cách xử lý công năng trên cơ sở công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, kiến trúc, văn hoá Việt Nam, triết học phương Đông không phải các nhà tư vấn nước ngoài dễ dàng xâm nhập. Ngay trong Trung tâm Hội nghị Quốc gia được coi là đỉnh cao, được giải thưởng kiến trúc năm 2006 nhưng khối hình có phần táo bạo ấy chưa phải đã dễ dàng đi vào lòng người Việt Nam. Gần đây hơn, thi tuyển thiết kế trụ sở TCty FPT ở góc ngã tư Láng Hạ, Thái Hà (đang gây nhức nhối thẩm mỹ đô thị, nay xây dựng lại), có 9 phương án được chủ đầu tư mời dự thi, trong đó có 6 phương án do tác giả nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài, 3 phương án hoàn toàn của người Việt Nam hiện đang ở trong nước. Phương án được giải nhất thuộc về KTS Nguyễn Tiến Thuận.
 
Tác giả bài viết - KTS Ngô Huy Giao

Theo http://ashui.com

Lướt qua vài thí dụ ghi nhận từ thực tế xã hội để thấy cần thiết có cái nhìn khoa học khách quan, công bằng. Không tranh giành ảnh hưởng, càng không “ta về ta tắm ao ta”. Chúng ta mong muốn và chủ động hội nhập chỉ mong các nhà đầu tư hãy thận trọng để đánh giá đúng hơn. Cần cân nhắc khi nào dùng hàng ngoại, khi nào dùng hàng nội, mà thi tuyển là phương pháp đủ độ tin cậy, không phải cứ ngoại là yên tâm. Kiến trúc là văn hoá, đồng thời là khoa học kỹ thuật, là công nghệ. Mặt nào còn bỡ ngỡ phải có yếu tố nước ngoài. Khoảng rộng rất lớn để khả năng chúng ta vươn lên, hãy giúp nhau đứng thẳng để có thể sánh vai cường quốc năm châu. Đừng vì chút ít này nọ mà tụt khỏi tầm tay cái sức sáng tạo của nội lực. Lại còn chuyện bình đẳng, ngang nhau về giá thiết kế cũng là vấn đề cần đặt ra để các nhà đầu tư quyết định. Chẳng dễ gì đạt được những yêu cầu trên, nhất là khi cánh cửa ngày càng mở rộng, trước hết đòi hỏi phải nỗ lực của KTS Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét