Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Kiến trúc hiện đại Việt Nam đang đứng ở đâu?


Trong lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc, phải chăng ta cần một tiêu chí, và chỉ 1 mà thôi: Đó là hiện đại Việt Nam (chữ "Việt Nam" được hiểu như một tính từ).

Kiến trúc là nghệ thuật tổ chức không gian sống cho con người và cộng đồng. Bắt đầu dưới dạng hang động, lều chòi nơi hoang dã, tiến dần đến những cung điện, lâu đài, những đô thị, và ngày nay là những toà nhà, những khu nhà chọc trời trong những thành phố cực lớn tràn ngập cây xanh và ánh sáng, với cảnh quan và môi trường tuyệt vời trên khắp các châu lục.
Gặp đồi là san, gặp cây là chặt 

Từng tồn tại theo cách truyền khẩu, mãi đến những năm 30 của thế kỷ vừa qua, nghề kiến trúc có bản vẽ mới được nhập từ phương Tây vào nước ta. Từ bấy đến nay, đặc biệt là từ sau ngày độc lập, thống nhất, nền kiến trúc nước nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Cả nước là một công trường khổng lồ. Từ các cơ quan, tổ chức cho đến người dân đều có nhu cầu xây dựng, đều đua nhau xây dựng. Nhà xây sau to đẹp hơn, tiện nghi cao hơn nhà xây trước, nhờ nhiều thành tựu của thế giới trong lĩnh vực xây dựng đã được nhập vào Việt Nam. Đó là một thực tế đáng ghi nhận.
  • Ảnh bên : vài năm trở lại đây, dường như Đà Lạt không còn mộng mơ với những đồi thông xanh ngút ngàn(minh họa: Ashui.com)
Tuy nhiên, so với đòi hỏi của dân tộc và thời cuộc, so với tiềm năng về tài nguyên, về cảnh quan thiên nhiên - môi trường và trí lực Việt Nam, so với tốc độ phát triển của các nước có điểm xuất phát thấp như Việt Nam, nếu xét cho kỹ thì thấy sự phá hoại cũng là... đáng kể. Dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi ở một số mặt, trước hết là về chăm sóc môi trường - cảnh quan - di sản, quy hoạch đô thị - nông thôn và các giải pháp kiến trúc công trình mang đặc thù địa dư, khí hậu và tâm lý cội nguồn.
Môi trường - cảnh quan - di sản là những thực thể khách quan do hoàn cảnh địa dư - khí hậu và nhờ thành quả của các thế hệ đi trước mà có, tạo nên dấu ấn đặc thù. Vậy mà nàng Tô Thị bị nung vôi bán lấy tiền, cổng thành nhà Mạc được mặc mới bộ xiêm áo sida. Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa bị biến dạng và ngày càng mất dần sự tinh tế. Một thành phố trung du từng san phẳng 54 quả đồi (thực tế có lẽ còn hơn nhiều) để biến cái hiếm có thành cái ở đâu cũng có. Gặp đồi là san, gặp cây là chặt, những việc làm tương tự từng xảy ra cách đây 50 năm, nay vẫn còn tiếp diễn.

Quy hoạch đô thị vốn là sản phẩm cần trí tuệ Bách Việt thì có nơi, có lúc trở thành thứ hàng chợ, bị làm rập khuôn hàng loạt, chạy sô để quay vòng nhanh, thu phí lớn, và vì vậy chắc chắn chất lượng không thể cao. Một cơ quan lập quy hoạch cho một thành phố cửa ngõ lên Tây bắc đã thuyết minh rằng lợi thế thành phố ta là có đường cao tốc Láng-Hoà Lạc chạy qua (?!). Không thiếu những trường hợp gắp các cách quy hoạch miền xuôi lên miền núi.

Dường như chúng ta còn chưa bắt đúng được cách làm quy hoạch, nên chưa kiến tạo được bản sắc đô thị. Vẫn còn nhiều nội dung bị bỏ ngỏ, như gắn giao thông, văn hoá, khoa học công nghệ v.v.. với quy hoạch không gian - cảnh quan trong một giải pháp đồng bộ, gắn tổ chức nếp sống nông thôn mới với biện pháp nâng cao thu nhập của nông dân, xử lý làng nghề trong thành phố lớn để bảo tồn và hiện đại hoá v.v...

Vốn liếng tự nhiên của ta chỉ duy nhất có một lần, chung cho ta và cho cả các thế hệ mai sau. Nếu ngày nay chúng ta đối xử với tự nhiên không tốt khi quy hoạch xây dựng  thì sẽ vô phương cứu chữa, sẽ bị con cháu mai sau oán trách. Bài học tương tự đã được quốc tế đúc rút từ nhiều năm trước vẫn còn là thời sự đối với các quốc gia như chúng ta.

Góc nhìn từ đê Yên Phụ (Hà Nội) ngày nay  (nguồn: Ashui.com)  
Kiến trúc luôn là... "người đến sau" 

Phát triển Thủ đô là một chủ đề chiến lược có tính lịch sử. Có nhiều mô hình và cách đi khác nhau từ kinh nghiệm của thủ đô các nước cho chúng ta tham khảo, lật đi lật lại vấn đề để tìm ra đáp án phù hợp với hoàn cảnh nước ta, nhằm tới mục tiêu đi nhanh mà không vấp, không phải trả giá.

Vì vậy, rất cần dành thời gian thích đáng cho sự bàn thảo sâu rộng, cân nhắc ý kiến nhiều chiều, không thể phán quyết vội vàng. Quy họach không chỉ đóng khung trong việc tổ chức không gian - hình khối - cảnh quan, mà trên cả những điều đó, quy hoạch còn có sứ mạng góp phần thúc đẩy việc tổ chức cuộc mưu sinh và các quyền khác của người dân, trước hết là của số đông người lao động thu nhập thấp, gắn với bình đẳng xã hội, hài hoà lợi ích giàu nghèo.

Xin đơn cử một ví dụ: Việc xây những khu ở quy mô lớn chỉ dành riêng cho người thu nhập thấp liệu đã tính đến những hệ luỵ tiêu cực? Hàng ngàn gia đình thuộc diện này bị dồn vào một chỗ sẽ kiếm sống ở đâu, bằng cách nào? Nhà đầu tư nào sẽ bỏ tiền xây nơi chăm sóc y tế, xây trường, một khi  biết chắc hiệu quả từ việc này đối với họ gần như bằng không? Chưa nói đến các tệ nạn xã hội rất có thể nảy sinh. Bài toán ở đây không còn đơn thuần chỉ là giá bán căn hộ rẻ, mà đã mang những nội dung xã hội sâu sắc hơn nhiều.

Nhiều người đánh giá kiến trúc công trình ở ta khá đẹp, dù bị sắp xếp trong những quần thể xấu xí. Tuy nhiên, số công trình như vậy chưa nhiều và thường có quy mô nhỏ lẻ, nhất là những công trình do các kiến trúc sư ta thiết kế. Chưa thầy có nhiều những bứt phá về triết lý, về triển khai các công nghệ tiên tiến, về giải pháp thích nghi khí hậu nóng ẩm, sử dụng năng lượng rẻ, vật liệu tại chỗ v.v... trong lúc sự xa hoa, diêm dúa, sự tuỳ tiện về nghiệp vụ, sao chép những hình thức lỗi thời của nước ngoài hay nhại cổ còn khá phổ biến.
Trừ một số ít toà nhà được ưu tiên đầu tư chu đáo, có những thành công nhất định về công nghệ và hình thức kiến trúc, các công trình do nhà tư vấn nước ngoài thực hiện ở nước ta thường lạm dụng kính bao che, máy điều hoà nhiệt độ, ít phù hợp khí hậu, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm thế người sử dụng.

Xét một cách toàn cục, cái hiện đại trong quy hoạch - kiến trúc  của ta hiện nay thường ít tính Việt Nam, còn cái tưởng như có chất Việt thì lại chưa hiện đại. Đầu tư phô trương hình thức, ít chú ý đến hiệu quả bền vững và thân thiện môi trường. Sự nhận biết hậu họa một cách chậm chạp và ngộ nhận thành tựu khiến chúng ta luôn là người đi sau, khoảng cách kiến trúc giữa chúng ta và các nước ngày càng bị nới rộng. Liệu có chăng một ngày nào đó, khi thời gian đã đủ chín để nhìn lại, ta bỗng giật mình nhận thấy nhiều việc theo bề nổi, ăn liền đã đưa chúng ta vào cái thế không cách gì gỡ lại được?

Bảo tàng Hà Nội  
(ảnh: gmp)

Chỉ 1 tiêu chí: Hiện đại Việt Nam 

Nguyên do từ đâu và lối ra nào? Vẫn là từ nhận thức và cách làm.
Dường như chúng ta còn chưa bắt đúng được cách làm quy hoạch, nên chưa kiến tạo được bản sắc đô thị. Vẫn còn nhiều nội dung bị bỏ ngỏ, như gắn giao thông, văn hoá, khoa học công nghệ v.v.. với quy hoạch không gian - cảnh quan trong một giải pháp đồng bộ, gắn tổ chức nếp sống nông thôn mới với biện pháp nâng cao thu nhập của nông dân, xử lý làng nghề trong thành phố lớn để bảo tồn và hiện đại hoá v.v... 

Vốn liếng tự nhiên của ta chỉ duy nhất có một lần, chung cho ta và cho cả các thế hệ mai sau. Nếu ngày nay chúng ta đối xử với tự nhiên không tốt khi quy hoạch xây dựng  thì sẽ vô phương cứu chữa, sẽ bị con cháu mai sau oán trách. Bài học tương tự đã được quốc tế đúc rút từ nhiều năm trước vẫn còn là thời sự đối với các quốc gia như chúng ta. 
Lâu nay, chúng ta có số công thức quen dùng cho định hướng văn nghệ nói chung. Trong lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc, phải chăng ta cần một tiêu chí, và chỉ  1 mà thôi: Đó là hiện đại Việt Nam (chữ Việt Nam được hiểu như một tính từ).

Sẽ cần đến cả loạt dẫn giải để làm rõ nội hàm này. Và việc thực thi thành công điều vừa nêu chắc sẽ không phải chờ đến khi có ai đó ra cho được một vài bản định hướng này nọ, như có nơi đang dự kiến làm. Nền kiến trúc Xô viết trước đây đã từng thất bại do cách làm tương tự. Bản thân chất lượng của nghệ thuật sẽ tự nó bật ra từ chính cuộc chơi sáng tạo của mỗi cá thể hay nhóm tác giả - kiến trúc sư.

Thành công của các giải Pritzker (một dạng giải Nobel về kiến trúc, mỗi năm chỉ trao duy nhất cho một KTS trên tòan thế giới) đã cho thấy các tác gia đứng được không hề nhờ vào một định hướng soạn sẵn nào, mà điều cần làm để thúc đẩy nền kiến trúc lại nằm ở chỗ khác.

Trước hết, đó là sự cần thiết tạo một môi trường hành nghề lành mạnh để từng cá thể phát huy hết năng lực của mình. Sự sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi người làm nghề phải được hoá thân vào tác phẩm, sống toàn tâm toàn ý với nghề, có đủ thời gian và phương tiện để trăn trở, cọ sát cùng nhau, cân nhắc nhiều loại giải pháp, thay vì suốt ngày chạy sô chuyện áo cơm, vào ra lo lót các cửa.

Đó cũng là việc đầu tư thích đáng của Nhà nước vào nghiên cứu khoa học, vào những quan trắc cộng phu về khí hậu, tập tục, địa hình địa mạo, vật liệu v.v...của mỗi địa danh, mối vùng trong nước, làm cơ sở chắc chắn giúp người sáng tạo các quần thể và công trình. Không phải chúng ta chưa từng triển khai các công việc nghiên cứu, nhưng luôn làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi, không đến đầu đến đũa, chưa có sự kết nối đồng bộ và nhất quán giữa các khâu, các chuyên ngành nên rốt cuộc là có rất ít tác dụng.

Thái Lan và nhiều nước láng giềng với ta làm khá tốt việc này. Nếu chúng ta cũng làm được như các bạn thì ta sẽ có cơ sở vững chắc không những để tìm tòi sáng tạo nét đặc thù quy hoạch - kiến trúc, mà còn là công cụ cần thiết cho những nhà quản lý, nhà phê bình nghệ thuật, và cho cả những bè bạn nước ngoài cần tìm hiểu về đất nước chúng ta khi họ thực hiện các hợp đồng về tư vấn thiết kế - xây dựng tại Việt Nam.

Đào tạo KTS nên trọng chất lượng hơn số lượng, có sự giám định chặt chẽ về thứ bậc khi hành nghề. Hiện tượng cào bằng hoặc hạ thấp vai trò người thiết kế đều dẫn đến những lãng phí về tinh thần và tiền của.

Gần đây, một số nhà đầu tư đã mời được các hãng, các tác gia tư vấn hàng đầu thế giới vào làm việc cho Việt Nam. Việc làm tốt đẹp này có thể kích hoạt sự trưởng thành của các nhà thiết kế quy hoạch - kiến trúc trong nước.

Đất nước chúng ta cũng có một Ngô Bảo Châu trong toán học. Điều gì ngăn cản chúng ta mơ ước có được một vài Ngô Bảo Châu trong lĩnh vực kiến trúc vào một ngày không phải là quá xa?
(Theo ashui.com)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét