Buồn Vui Nghề Kiền Trúc Sư

Kiến trúc sư là một trong những nghề lâu đời nhất trên thế giới có lý thuyết khoa học và cơ sở pháp lý hành nghề...

5 điều cần lưu ý Sau khi tốt nghiệp

Là một kiến trúc sư trẻ và mới tốt nghiệp của Kansas State University, Nicholas Kreitlerchia sẻ với chúng tôi năm khuyến nghị quan trọng cho tất cả các đại học tham gia vào "thế giới thực".

Những điều nhà trường Kiến trúc không dạy bạn.

Kiến trúc hấp dẫn bởi nó đầy tính bất ngờ, chính bạn phải khám phá và tạo ra đáp án. Tự tìm ra đường đi của mình, gắn bó và chủ động, bạn sẽ bất ngờ về sản phẩm độc đáo mình làm ra và trở nên hài lòng hơn dù với bất kỳ điểm số nào.

Trách nhiệm của người kiến trúc sư

Nghề kiến trúc là một nghề nhạy cảm với những đổi thay của lịch sử và tiến trình xã hội mà thời đại đang diễn ra. Người kiến trúc sư cũng vậy, là nhân tố tác giả chuyển tải những chuyển biến xã hội đó. ..

10 phẩm chất để trở thành KTS vĩ đại

Một kiến trúc sư vĩ đại đã và kỹ năng giao tiếp bằng lời bằng văn bản xuất sắc và có thể tổ chức các cuộc thảo luận hiệu quả với khách hàng...

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Kiến trúc sư, anh là ai ?


Chúng ta cần có nơi để sống, làm việc, vui chơi, học tập, gặp gỡ, ăn uống, mua sắm... Những nơi này có thể thuộc sở hữu riêng hoặc công cộng, trong nhà hay ngoài trời... Kiến trúc sư - những chuyên gia được đào tạo và cấp bằng về nghệ thuật và khoa học thiết kế các công trình xây dựng - chuyển những nhu cầu này thành hình ảnh và đồ án của các công trình mà sau đó sẽ được người khác xây dựng.
Cụ thể, để xây dựng một ngôi nhà, sân vận động hay cả một thành phố, người ta cần phải chuyên môn hóa từng phần công việc.
Đầu tiên là hoạch định dự án của công trình: giải thích vì sao phải xây dựng công trình này, xây ở đâu, hình mẫu thế nào, kinh phí thiết kế và xây dựng công trình là bao nhiêu. Tiếp đến là thiết kế (hay vẽ mẫu) cho công trình, rồi đấu thầu (xác định cơ quan đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để xây dựng công trình). Sau cùng là triển khai thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình cho chủ sở hữu.
Kiến trúc sư có thể tham gia hầu hết các công đoạn trên, tùy thuộc vào tính chất, quy mô, và độ phức tạp của công việc. Nhưng chủ yếu kiến trúc sư là nhân vật chính ở phần việc đầu tiên: làm dự án, thiết kế kiến trúc, quy hoạch và thường là người chủ trì công trình. Trong nhiều trường hợpkiến trúc sư còn tư vấn cho chủ đầu tư về các hình thức kinh doanh công trình bằng cách sáng tạo ra các công năng mới, hình thức không gian mới, lựa chọn các hình thức hoạt động thích hợp với công trình...
Khi chủ trì thiết kế, kiến trúc sư làm việc với đồng nghiệp và các kỹ sư chuyên môn liên quan như kỹ sư kết cấu, kỹ sư điện, nước, kỹ sư kinh tế và kỹ sư thi công.
Kiến trúc sư chủ trì công trình quy hoạch đô thị còn làm việc với kỹ sư san nền, kỹ sư giao thông, kỹ sư cấp, thoát nước, kỹ sư điện, kỹ sư kinh tế và kỹ sư thi công...
Nếu là công trình trang trí nội, ngoại thất, công trình cảnh quan đô thị, công viên hay tượng đài..., kiến trúc sư còn phải làm việc với họa sĩ, nhà điêu khắc, kỹ sư lâm nghiệp...
Khi trình duyệt thiết kế công trình, kiến trúc sư chủ trì, chủ nhiệm đồ án cũng có nhiệm vụ tiếp xúc, thuyết phục và bảo vệ thiết kế trước các cấp lãnh đạo cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý chuyên ngành, các cấp lãnh đạo tại địa phương, nơi sẽ xây dựng công trình đó.
Kiến trúc sư cần có tư chất của một nghệ sĩ, một nhà khoa học - kỹ thuật, một người làm công tác văn hoá - xã hội. Người ta nói nghề kiến trúc là nghề kết hợp khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật là vậy.
ĐẶC THÙ NGHỀ NGHIỆP KIẾN TRÚC SƯ
·        Khoa học - kỹ thuật
Dựng nhà trước hết cần chắc chắn. Do vậy, kiến trúc sư phải thông thạo kỹ thuật xây dựng công trình: có bao nhiêu dạng kết cấu cho ngôi nhà, yêu cầu kỹ thuật của các yếu tố kết cấu tương ứng... Rồi cơ man nào là tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình thực hiện, hệ số áp dụng v.v… Không có tư chất kỹ thuật sẽ không có cơ sở để sáng tạo hình dạng kiến trúc. Bạn còn nhớ những vất vả để có được mái vòm tuyệt đẹp của Opera Sydney trongcâu chuyện ở Hàng ghế số 1 chứ?
Ngày nay, trong xây dựng, người ta chú trọng đến việc tiết kiệm năng lượng. Việc thiết kế các không gian trong nhà thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên hay việc “cấy” vào ngôi nhà các thiết bị tạo năng lượng gió, nắng v.v... là những tiếp cận hiện đại của khoa học và kỹ thuật trong kiến trúc. Nếu bạn không cập nhật, bạn sẽ lạc hậu ngay.
Đó mới chỉ là công trình bình thường. Thiết kế quy hoạch một khu ở, trung tâm thành phố... còn rắc rối, phức tạp và lâu dài hơn nhiều. Kiến trúc sư phải biết tính toán, dự báo cả số lượng dân cư, nhu cầu đi lại và vui chơi giải trí v.v… để có thiết kế hợp lý.
·        Văn hoá - nghệ thuật
Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Tuyên Quang được tạo hình như bóng cây đa Tân Trào, với các gân mây, tua rễ cắm vào đất và sắc trắng trên nền lam của khung cảnh, gợi cảm nhận thiêng liêng về những sự kiện, con người miền đất làm nên Việt Nam hôm nay. Không có bề dày văn hoá, không thể tạo ra được vẻ đẹp thiêng liêng này.
Kiến trúc sư là người sáng tạo cái đẹp. Anh ta sáng tạo ngôi nhà, tạo ra hình hài đô thị v.v..., giúp người dân nhận ra cái đẹp hiện đại hay truyền thống, đời thường hay thiêng liêng dù họ ở trong nhà hay bước ra phố...
Làm nên cái đẹp đã khó, đẩy cái đẹp lên thành một giá trị văn hoá quả là gian nan. Chỉ bản lĩnh văn hoá mới tạo ra cá tính nghệ sĩ của kiến trúc sư.
·        Kinh tế - xã hội
Kiến trúc sư tạo dựng môi trường hoạt động cho xã hội, môi trường sống cho gia đình và cộng đồng nên đương nhiên phải có kiến thức kinh tế, xã hội.
Nếu bạn không hiểu người dân đô thị làm việc như thế nào, nghỉ ngơi, sử dụng thời gian rảnh ra sao, bạn không thể đề xuất các không gian tương thích cho những hoạt động đó.
Kiến trúc sư là vậy đó, có chất kỹ thuật, chất nghệ thuật và luôn bị ràng buộc bởi các yêu cầu kinh tế- xã hội.
Nếu bạn vào Thành phố Hồ Chí Minh, bạn sẽ thấy công viên giải trí, công viên nước lúc nào cũng đông đúc. Người miền Nam hướng ngoại hơn người miền Bắc. Họ dành nhiều thời gian rảnh cho vui chơi, giải trí hơn. Nếu áp dụng những thiết kế đó cho các khu giải trí ở phía Bắc chưa chắc đã phù hợp.

Các lĩnh vực chuyên môn của kiến trúc sư

Kiến trúc sư thường làm việc ở ba lĩnh vực chuyên môn chính: quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình và thiết kế nội thất.
·        Quy hoạch xây dựng
Kiến trúc sư quy hoạch được đào tạo để tham gia các lĩnh vực như: quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị và thiết kế cảnh quan.
* Quy hoạch vùng
Quy hoạch vùng là lĩnh vực lớn và phức tạp, liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của một vùng, có thể là huyện, tỉnh, hay vùng nhiều tỉnh.
Dựa vào “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” của vùng được phê duyệt, kiến trúc sư quy hoạch xây dựng hệ thống phân bố dân cư, hệ thống các đô thị chính, khu công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, các khu kinh tế đặc thù... cũng như hệ thống các cơ sở hạ tầng văn hoá xã hội, hạ tầng kỹ thuật...
Tư duy của kiến trúc sư quy hoạnh vùng thiên về tư duy hệ thống, tư duy phân tích và dự đoán mà ít chất tạo hình. Họ làm toán, phân tích và tổng hợp tốt hơn là vẽ đẹp. Ở các nước phát triển, người ta chỉ đào tạo kiến trúc sư quy hoạch vùng từ những kiến trúc sư đã có kinh nghiệm thực tế và có tư chất, năng lực thích hợp.
* Quy hoạnh đô thị
Nếu bạn là kiến trúc sư quy hoạch đô thị, bạn sẽ là người bố trí, sắp đặt, tổ chức hệ thống không gian đô thị như: nơi ở, nơi làm việc, những hệ thống đường giao thông, bến tàu, bến cảng, sân bay, chỗ vui chơi giải trí, khu văn hoá thể thao, công viên, quảng trường, tượng đài cho thành phố, thị xã, thị trấn, sao cho tiện dụng và hợp với điều kiện thiên nhiên, địa hình, thời tiết và con người v.v...
Quy hoạch vùng là cấp thiết kế thứ nhất, quy hoạch đô thị là cấp thứ hai, tiếp đến là thiết kế đô thị và thiết kế cảnh quan.
Hấp dẫn và lãng mạn nhất thống công việc này là tạo nên thẩm mỹ của đô thị. Không gian và quy mô để bạn kiến tạo thẩm mỹ cho đô thị lớn hơn rất nhiều so với khi làm một ngôi nhà. Làm sao để có một đại lộ đẹp, khu phố đẹp, quảng trường đẹp? Ở đâu là di tích văn hoá, điểm nhấn đô thị, là ký ức của người dân, lắng đọng của năm tháng…? Bạn phải rành tất cả những điểm đó để tạo nên một đô thị có hồn, có bản sắc.
* Thiết kế đô thị và thiết kế cảnh quan
Một quảng trường rộng lớn, một tuyến phố đi bộ, một công viên vui chơi giải trí hay một vườn hoa nơi góc phố v.v... Tất cả đều là đối tượng của chuyên ngành thiết kế cảnh quan, thiết kế đô thị.
Nếu như ở quy hoạch đô thị, việc làm đẹp cho thành phố chỉ là một phần công việc, thì ở thiết kế cảnh quan và thiết kế đô thị, nội dung thẩm mỹ sẽ là chính.
Tư duy của kiến trúc sư lúc này thiên về tạo hình vật thể với tỉ lệ, vật liệu, màu sắc, hướng vận động và ý nghĩa của tất cả các yếu tố vật thể như: hình dáng công trình kiến trúc, khoảng trống, vật liệu nền hè, đường đi bộ, màu hoa, cây xanh, tượng đài, góc nhìn, mặt nước, biển chỉ đường, biển quảng cáo, cabin điện thoại. Hiểu nôm na là bạn phải thiết kế chi tiết cho từng không gian đô thị.
Không chỉ quan tâm tới phần vật thể của cảnh quan, không gian đô thị, bạn cần phải hiểu, nghiên cứu và ghi chép cả các giá trị văn hoá, lịch sử, nếp sống của người dân... rồi hoá thân chúng thành không gian, vật thể hữu hình. Đó là cách mà kiến trúc sư “thổi hồn” vào phố và cảnh trí đô thị.
Một góc phố đời thường trong phố cổ với mái ngói lô xỏ, hè đường lát đá Thanh, một quán cá lăng nổi tiếng, nơi không thể quên khi mời bạn hữu trong Nam ra Hà nội... Bạn phải thiết kế cây xanh, nền đường, biển chỉ dẫn, công trình kiến trúc bao quanh... sao cho phù hợp với cuộc sống hiện đại mà không đánh mất những hình ảnh đã thành ký ức của Hà Nội, không làm phai mờ màu thời gian tích đọng từ ngàn xưa.
·        Thiết kế công trình kiến trúc
Thiết kế công trình kiến trúc là phần việc thu hút đông đảo kiến trúc sư nhất.
Nhà ở, cửa hàng, siêu thị, cơ quan, nhà ga, rạp hát, bảo tàng, thư viện hay trường học... là đối tượng thiết kế của kiến trúc sư công trình.
Khi thiết kế, kiến trúc sư cần nắm rõ hoạt động của người sử dụng công trình. Họ vẽ ra sơ đồ hoạt động, gọi là sơ đồ công năng, và tổ chức các không gian tương ứng với những hoạt động ấy, rồi chọn bộ khung cho các không gian. Có thể là cột và rầm, là tường chịu lực và sàn, hay một kết cấu phức tạp nào đó.
Kiến trúc sư công trình còn phải liên tưởng và vẽ ra mặt đứng của công trình, lựa chọn hình khối, vật liệu xây dựng cho công trình, cũng như hình dung và vẽ ra hình ảnh tương lai của nó.
Trong chuyên môn, người ta gọi là vẽ phối cảnh.
Cái khó và chứng tỏ tài năng của kiến trúc sư công trình nằm ở ý tưởng.
Đó có thể là một hình ảnh có nghĩa, như Chùa Một Cột mang hình của một đài sen, Khuê Văn Các là hình ảnh của ngôi sao Khuê tượng trưng cho văn học...
Đó có thể là một quan niệm mới về công năng. Như siêu thị không chỉ là nơi mua hàng mà còn thoả mãn các nhu cầu ăn uống, giải trí, đi dạo... Vậy là phải tạo ra “phố trong nhà”.
Ý tưởng có thể xuất phát từ ý đồ chính trị, văn hoá, kinh tế... Những toà tháp cao hàng trăm mét các nước đang đua nhau xây dựng còn nhằm chứng tỏ sức mạnh, uy quyền của mình.
Ý tưởng kiến trúc đôi khi chỉ là một đề xuất tạo hình độc đáo. Bạn có biết những nhà nghiêng, nhà xoắn, nhà vòm khổng lồ có thể chứa vài sân bóng đá không? Vòm Thiên niên kỷ ở Luân Đôn là một ví dụ.
·        Thiết kế nội thất
Đây là lĩnh vực cũng đầy đam mê của kiến trúc sư.
Mỗi nội thất có một yêu cầu sắp đặt, bài trí khác nhau, phong cách khác nhau. Nội thất Paris hoa lệ, chỉn chu, thiên về trang trí. Nội thất New York có nét đời thường, thực dụng, pha chút “bụi bặm”. Kiến trúc sư nội thất có thẩm cảm tinh tế, khéo tay, tư duy với các đối tượng cụ thể.
Ngoài kiến thức văn hoá và xã hội, thiết kế nội thất còn đòi hỏi giỏi về mỹ thuật. Chính vì thế mà lĩnh vực này thường có các họa sĩ tham gia.
Về chuyên môn là như vậy, nhưng đã là kiến trúc sư, bạn có khả năng thiết kế tất cả. Vấn đề nằm ở chính năng lực và nhiệt huyết của bạn.
Cái đẹp của không gian nội thất gần gũi, dễ đi vào lòng người. Với bộ kế cổ, sập gụ, tủ chè, sàn gỗ, vài bức tranh Đông Hồ hay tranh sơn mài, gam màu nâu nhạt, trước cửa là lu sành Phù Lãng, cái gáo dừa gác trên miệng lu, bạn có thể tạo ra một không gian sống rất Việt.

Công việc của kiến trúc sư

Bạn đã biết về các lĩnh vực chuyên môn của kiến trúc sư. Giờ chúng ta sẽ tìm hiểu phần việc cụ thể thuộc từng chuyên môn nhé!
Dựa vào các đơn đặt hàng, các yêu cầu cụ thể, kiến trúc sư vạch đề cương công việc, vẽ ra mô hình không gian, hình khối, màu sắc của công trình. Các nội dung đó được trình bày trên bản vẽ và ghi lại trong đĩa vi tính. Đây là hồ sơ chính để thi công hay quản lý công trình.
Nhiều kiến trúc sư tham gia theo dõi thi công. Công việc này rất bổ ích cho kiến trúc sư, nhất là khi mới ra trường, bởi nó cung cấp kinh nghiệm thực tế và kiểm định hiệu quả thiết kế.
Các kiến trúc sư thuộc văn phòng thiết kế nổi tiếng của Tadao Ando có một công việc bắt buộc. Trước khi khánh thành toà nhà, họ phải đi... lau dọn công trình. Yêu cầu này để các kiến trúc sư vừa gắn bó với công trình, vừa xem lại kết quả thiết kế của mình, đồng thời có một sản phẩm sạch sẽ giao cho khách hàng.
·        Công tác thiết kế quy hoạch
Bắt đầu công việc, các kiến trúc sư quy hoạch thường phải đi đến các địa phương để nắm hiện trạng xây dựng: hệ thống đường sá, mạng lưới điện nước, các di sản kiến trúc; phân bố dân cư, số lượng và cấu trúc các thành phần dân số, hình thức sống, công việc của người dân địa phương v.v... Khi đi thực địa, các kiến trúc sư thường chụp ảnh, ghi chép và gặp gỡ các cơ quan, nhân vật quan trọng của địa phương để trao đổi, lấy ý kiến.
Sau đó họ vạch ra đề cương công việc, còn gọi là “Nhiệm vụ thiết kế quy hoạch”. Sau khi “Nhiệm vụ thiết kế quy hoạch” được phê duyệt, các kiến trúc sư bắt tay vào thiết kế. Phần việc này là vẽ ra các hình mẫu đô thị, hình mẫu không gian đường phố, công viên hay quảng trường v.v...
Khó nhất của công tác thiết kế là tìm ra ý tưởng của đồ án. Khi đã có ý tưởng, các kiến trúc sư bắt tay vào vẽ các mặt bằng, mặt đứng và phối cảnh, là các phương tiện thể hiện hình mẫu đô thị, không gian đô thị. Ngày nay, công đoạn này được vi tính hoá, nhưng trước khi vào máy, kiến trúc sư vẫn thường vẽ tay. Sau đó họ hoàn thành hồ sơ thiết kế và bảo vệ trước các cơ quan chức năng, lãnh đạo, chủ đầu tư. Trách nhiệm bảo vệ thiết kế thuộc về kiến trúc sư chủ trì, chủ nhiệm đồ án, đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp, cách trình bày vấn đề rõ ràng, lưu loát và hấp dẫn, có tính thuyết phục. Một chút hùng biện là điều thường thấy ở những kiến trúc sư này.
Do độ rộng và phức tạp của đồ án, các kiến trúc sư quy hoạch thường làm việc theo nhóm.
·        Thiết kế kiến trúc công trình
Nếu thiết kế quy hoạch cần nhiều lao động tập thể thì thiết kế công trình đề cao năng lực cá nhân. Hình thức kiến trúc phản ảnh rõ tính cách, năng lực và “gu” thẩm mỹ của tác giả.
Dù ở quy mô nhỏ hơn, thiết kế công trình cũng qua các bước tương tự như thiết kế quy hoạch: đi thực địa, vạch đề cương công việc, phác thảo tìm ý, vẽ hình mẫu các không gian chức năng, xác định hệ kết cấu, làm việc với các kỹ sư, hoàn thành hồ sơ thiết kế và đi bảo vệ trước các bên liên quan.
Khi công trình đã được phê duyệt và bước vào giai đoạn thi công, kiến trúc sư công trình còn phải đi kiểm tra tại công trường xem bên thi công có làm đúng thiết kế không. Công việc này được gọi là giám sát tác giả.
Tìm ý và tạo hình tác phẩm là giai đoạn khó và lâu dài. Nhiều khi phải mất đến 2/3 thời gian mới có ý đồ thiết kế. Vậy là phần thời gian còn lại, kiến trúc sư phải “mở hết tốc độ”. Trong nghề gọi là “lụt” đồ án.
Thiết kế kiến trúc có cái “say” của kẻ dấn thân. Quên ăn và thức khuya, thức qua đêm là chuyện thường. Bù lại, khi tác phẩm đã hoàn thành, công trình đã được dựng lên đúng như thiết kế, kiến trúc sư thường chiêm nghiệm, suy ngẫm về hiệu quả không gian, màu sắc hay hình khối. Đó là hạnh phúc lớn của người làm kiến trúc. Vì thế mà người ta gọi công trình kiến trúc là “con đẻ” của kiến trúc sư.
·        Thiết kế nội thất
Thiết kế nội thất là trang trí bên trong công trình; thiết kế, lựa chọn và bố trí các thiết bị trong nhà như: bàn ghế, giường tủ, đèn hay trang trí tường, sàn, trần nhà. Nói cách khác, nhiệm vụ của kiến trúc sư lúc này là tạo ra môi trường sống tối ưu trong không gian kiến trúc.
Hai không gian giống nhau về kích thước và hình dáng nhưng nội thất khác nhau sẽ cho ta những cảm giác sống khác nhau. Cái chật chội hay rộng thoáng, cái sang trọng thanh nhã hay diêm dúa trưởng giả, cái mộc mạc hay hào hoa... Tất cả đều được tạo ra từ tài năng của kiến trúc sư nội thất.
Kiến trúc sư nội thất tài giỏi thường rất hiểu tâm lý chủ nhà. Họ hỏi chuyện, gợi ý và tìm hiểu sở thích chủ nhà để tìm ra hình thức không gian nội thất, vật liệu thích hợp, màu sắc và vật dụng độc đáo.
Kiến trúc sư quy hoạnh nếu may mắn có thể thấy tác phẩm của mình sau 5 - 10 năm, thường thì bị thay đổi, bổ sung so với nguyên bản. Kiến trúc sư công trình có thể thấy tác phẩm sau vài tháng hoặc vài năm. Còn kiến trúc sư nội thất thì nhanh hơn: vài ngày hay một tháng, vài năm tuỳ quy mô công trình. Kiến trúc sư nội thất thường có xưởng chế tác riêng. Mẫu mã làm ngay trong xưởng.
Kiến trúc sư nội thất cũng thường là những nhà thiết kế. Nhiều kiến trúc sư nổi tiếng đã sáng tạo những chiếc ghế rất độc đáo như ghế Le Corbusier, ghế Mies van der Rohe, ghế Mario Botta, ghế của vợ chồng Charles - Ray Eames v.v...
·        Thiết kế cảnh quan
Các nước Âu - Mỹ đào tạo cả kiến trúc sư cảnh quan: thiết kế cảnh quan phong cảnh, cảnh quan đô thị hay cảnh quan chuyên biệt.
Điểm khác biệt của thiết kế cảnh quan là đối tượng và tư duy tạo hình. Cái đẹp tạo hình của cảnh quan thể hiện ở quy mô rộng, trong thế vận động.
Các điểm nhấn trong đô thị, các góc nhìn, các chuỗi hình ảnh và không gian kế tiếp nhau, các hình khối tổng thể, thảm cỏ, mặt nước, bầu trời, nền đường hay cầu vượt... đều được đưa vào bộ nhớ và suy nghĩ của kiến trúc sư thiết kế cảnh quan. Họ chính là những kiến trúc sư “nội thất” của đô thị, của môi trường sống.
So với thiết kế quy hoạch, thiết kế cảnh quan nhiều chi tiết, ít tính hệ thống, nhiều tính tạo hình. Cảnh quan thường không có giới hạn hình ảnh cụ thể, hay pha lẫn hình ảnh xung quanh ngoài phạm vi thiết kế nên kiến trúc sư phải tích cóp nhiều hình ảnh để những gì mình tạo ra hoà nhập hay nổi bật trong khung cảnh hiện có. Bên cạnh việc sắp xếp các yếu tố tạo hình cảnh quan, kiến trúc sư cũng cần có kiến thức sinh thái, thực vật học để thiết kế của mình phù hợp với môi trường thiên nhiên.
Ngoài mặt bằng, mặt cắt, kiến trúc sư phải vẽ rất nhiều phối cảnh để hình dung mô hình cảnh quan. Nếu làm mô hình 3D trên máy tính hay làm được “phim” thì rất tuyệt.
·        Những công việc khác
Ngoài công việc chính là thiết kế, nhiều kiến trúc sư còn tham gia quản lý, giảng dạy, giám sát thi công... Với tư chất thiết kế, sáng tạo họ cũng là những nhà thiết kế thời trang, thiết kế bao bì, đồ họa đa phương tiện, nhà điêu khắc. Được đào tạo kiến thức kỹ thuật và nghệ thuật, kiến trúc sư cũng có thể là nhà nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Bạn Muốn biết


       Lược sử kiến trúc
Ngày xưa...
Con người dựng nên những công trình kiến trúc làm chỗ ở: những ngôi nhà, cung điện, lâu đài hay cả một thành phố. Để vinh danh chiến công hay các bậc anh hùng, người ta xây tượng đài, đền thờ. Để gửi gắm đức tin, họ xây đền miếu, đình chùa... Để sinh hoạt cộng đồng, con người có nhà hát, quảng trường, công viên hay phố, chợ... Vua chúa tin rằng có cuộc sống thứ hai sau khi băng hà nên các pharaoh xây kim tự tháp ở Ai Cập cổ đại, các vua nhà Nguyễn xây dựng lăng tẩm ở Cố đô Huế.
Người Hy Lạp cổ đại dựng đền thờ để tôn vinh các vị thần bảo hộ thành phố của mình. Người La Mã xây dựng những đấu trường khổng lồ, nhà tắm công cộng nguy nga và sang trọng để vui chơi, giải trí. Ngư'ời Trung Quốc nổi tiếng với Vạn Lý Trường Thành và các thành trì cổ để bảo vệ chủ quyền thời loạn lạc chiến chinh. Nhiều nước châu Âu vẫn còn nguyên các lâu đài, pháo đài, thành phố, quảng trường và đường phố trung cổ như những dấu tích của thời hình thành các tiểu vương quốc độc lập, thương mại phát triển.
Và rồi các công trình kiến trúc đó tồn tại mãi với thời gian như những biên niên sử bằng đá, bằng gạch hay gỗ. Người ta nói “kiến trúc là bản nhạc câm làm rung động lòng người hàng thế kỷ” có lẽ là vậy.
Để lưu danh, học tập và quảng bá, người ta gắn chúng với tên của một địa danh, một vị vua, một vị thần hay một đấng thánh linh. Kim tự tháp Cheops được đặt theo tên pharaoh Khufu (Cheops) thời Ai Cập (năm 2500-2465 TCN). Đền thờ lớn Thanjavur theo tên một thành phố cổ ở Ấn Độ. Còn tác giả đích thực của chúng, các kiến trúc sư, những người tạo ra hình hài, khối tích, quy mô hay sắc màu cho công trình kiến trúc thì hầu như không ai biết đến. Ngày xưa, kiến trúc sư thường vô danh hay buộc phải vô danh như vậy.
Những kiến trúc sư cổ đại được biết đến nhiều nhất là Hyppodamus ở Miletus, nhà quy hoạch đô thị, tác giả của đô thị cổ đại Hy Lạp Ionian, hai kiến trúc sư Ictinus và Callicrates - tác giả ngôi đền Parthenon nổi tiếng ở Athena, Hy Lạp. Học thuyết và phương pháp quy hoạch của Hyppodamus ảnh hưởng đến hầu hết các đô thị châu Âu cổ đại và cận đại. Đền Parthenon là một khuôn thước mẫu mực về tỉ lệ và nhịp điệu trong kiến trúc phương Tây. Hình ảnh ngôi đền được dùng để tạo thành biểu tượng của UNESCO, tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc.
Và bây giờ...
Kiến trúc sư không chỉ sáng tạo hình hài, vóc dáng và sắc màu mà cả hồn vía và cuộc sống cho công trình. Nhà hát ca kịch Opera Sydney là niềm tự hào và biểu tượng của Ôxtrâylia. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp có tháp Eiffel như một biểu tượng của nền văn minh nước Pháp và khát vọng chiếm lĩnh độ cao của con người. Cuối thế kỷ XX, người Malaysia ngẩng cao đầu nhìn toà tháp đôi Petronas thuộc loại cao nhất thế giới.
·        Kiến trúc sư trong sổ tay của bạn - Họ đã thành công như thế nào?
Nếu bạn say mê kiến trúc, hẳn bạn từng nghe nói tới những kiến trúc sư thiên tài dưới đây. Họ đến với kiến trúc từ rất nhiều con đường khác nhau, ở những thời đại khác nhau, với những quan niệm, phong cách rất khác nhau. Những kiến trúc sư được biết đến nhiều nhất là:
Hippodamus: quy hoạch gia cổ đại Hy Lạp, người đưa ra mạng ô vuông cho tổ chức quy hoạch đô thị.
Ictinus và Callicrates: kiến trúc sư Hy Lạp, tác giả của ngôi đền Parthenon, hình ảnh được UNESCO chọn làm biểu tượng.
Vitrivius: nhà lý luận và lịch sử kiến trúc cổ đại, người La Mã.
Andrea Palacio: kiến trúc sư, nhà lý luận thẩm mỹ kiến trúc kinh điển, đưa ra nhiều “khuôn vàng thước ngọc” cho kiến trúc cổ điển châu Âu.
Ebenezer Howard: quy hoạch gia người Anh, đề xuất mô hình Thành phố vườn (Garden city) còn ảnh hưởng đến ngày nay.
Soria Y Mata: quy hoạch gia người Tây Ban Nha, đề xuất mô hình Thành phố tuyến (Linear city), ảnh hưởng nhiều đến các thành phố đương đại.
Le Corbusier (Pháp), Walter GropiusMies Van der Rohe (Đức), Frank Lloyd Wright (Mỹ) được coi là bốn kiến trúc sư bậc thầy của thế kỷ XX.
Giờ chúng ta hãy khám phá bí quyết thành công của một số kiến trúc sư nổi tiếng nhé.
Kỹ sư người Pháp Gustave Eiffel (1832-1923) khi thiết kế tháp cao 300m ở Triển lãm quốc tế Paris 1889 đã bị hầu hết các nhà văn hoá, nhà hoạt động xã hội của Paris phản đối dữ dội, trong đó có nhà văn Maupassant, Zola, Sully-Prudomme. Nhưng ông đã thắng, ngọn tháp bây giờ mang tên ông: tháp Eiffel, và là biểu tượng của nước Pháp.
Frank Lloyd Wright (1869-1959) có thể coi là kiến trúc sư vĩ đại nhất thế hệ của ông ở Mỹ. Ông là cha đẻ của trường phái “Kiến trúc hữu cơ”, hoà quyện công trình kiến trúc và thiên nhiên. Tư tưởng kiến trúc của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Kiến trúc sư người Đức Walter Gropius (1883-1969) là người sáng lập Trường kiến trúc Weimar với mô hình đào tạo kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật, giữa giảng đường và công xưởng, giữa xã hội và nhà trường v.v... Ngoài kiến trúc, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp, thiết kế nội thất, thiết kế dàn dựng sân khấu, thiết kế đồ họa... là những ngành đầu tiên trên thế giới được đào tạo chính quy tại đây. Mô hình đào tạo ấy sau này được áp dụng trong hầu hết chương trình đào tạo kiến trúc sư của các trường kiến trúc quốc tế.
Le Corbusier (1887-1965), kiến trúc sư người Pháp gốc Thụy Sĩ, tiền bối của kiến trúc công năng - kiến trúc lấy cái hợp lý của tổ chức không gian và sử dụng làm đầu. Ông cũng là nhà lý luận kiến trúc, người đề ra nhiều quan điểm kiến trúc hiện đại được chấp nhận rộng rãi và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ kiến trúc sư, như thành phố có bốn chức năng chính: ở, làm việc, đi lại và giải trí. Cũng như Frank Lloyd Wright, Le Corbusier không học hết chương trình đào tạo mà tự học là chủ yếu. Ông đã thực hiện một chuyến du lịch hầu hết các nước châu Âu để vẽ và ghi chép về các công trình nổi tiếng, học hỏi và suy ngẫm về nghề.
Tadao Ando (1941), kiến trúc sư Nhật Bản, được đánh giá là kết hợp thâm nhuyễn văn hoá Đông - Tây trong kiến trúc. Năm 1995, ông được trao Giải thưởng kiến trúc Pritzker (giải thưởng cao quý tương đương giải Oscar trong điện ảnh). Tadao Ando chưa bao giờ đến trường kiến trúc để học, dầu chỉ một giờ. Theo gương Le Corbusier, ông tự học chủ yếu bằng tham quan, ghi chép, đọc sách, phân tích và nghiền ngẫm.
Thom Mayne (1943), kiến trúc sư người Mỹ được giải thưởng Pritzker 2005, từng bị trường Harvard đuổi việc vì những đề xuất táo bạo, phi chính thống. Sau nhiều năm thất nghiệp, ông cùng đồng nghiệp tự lập ra trường kiến trúc không chính thống Nam California để tồn tại. Phải 30 năm sau, Thom Mayne mới được công nhận ở tầm quốc tế. Kiến trúc của ông được coi là Mỹ nhất trong kiến trúc Mỹ thời hiện đại.
·        Những đỉnh cao kiến trúc
Hai năm một lần, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức Giải thưởng kiến trúc. Kiến trúc sư được Giải thưởng kiến trúc là một niềm vinh dự lớn, cũng là cơ hội khẳng định năng lực sáng tác của mình.
Ngoài ra, các tạp chí kiến trúc - quy hoạch xây dựng như Tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kết hợp với các tổ chức và nhà tài trợ khác cũng tổ chức các cuộc thi chuyên đề. Đó cũng là dịp để kiến trúc sư bộc lộ, thử thách năng lực sáng tác.
Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho sinh viên kiến trúc và kiến trúc sư trẻ. Ngoài ra, còn có nhiều cuộc thi quốc tế khác. Kiến trúc sư Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế rồi đấy. Đó là những đỉnh cao bạn có thể hướng đến và chiếm lĩnh.
Hàng năm, Hội Kiến trúc sư các nước đều trao giải thưởng kiến trúc cho các công trình và kiến trúc sư tiêu biểu. Danh giá nhất là Giải thưởng Kiến trúc Pritzker (Mỹ), Giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Hoàng gia Anh.
·        Một số địa chỉ trong sổ tay của bạn
Bộ Xây dựng
37 Lê Đại Hành, Hà Nội
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng
55 đường Giải Phóng, Hà Nội
Trường ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh
196 đường Pasteur, TP. Hồ Chí Minh
Khoa Kiến trúc, Trường ĐHDL Đông Đô
Số 10 Chương Dương Độ, Hà Nội
Khoa Kiến trúc, Trường ĐHDL Phương Đông
201B Trung Kính, Nhân Hòa, Hà Nội
Khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện ĐH Mở
85 Lương Định Của, phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Khoa kiến trúc Xây dựng, Trường ĐHDL Văn Lang
45 Nguyễn Khắc Nhu, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế
Số 27 Nguyễn Huệ, TP. Huế
Viện nghiên cứu Kiến trúc
389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Hội Kiến trúc sư Việt Nam
23 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh
88 Mạc Đĩnh Chi, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh
·        Các tổ chức nghề nghiệp của kiến trúc sư
Hầu hết các tỉnh trong nước đều có Hội Kiến trúc sư địa phương. Các đơn vị tư vấn lớn như Công ty tư vấn xây dựng dân dụng, Công ty tư vấn xây dựng công nghiệp, hay Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, Viện Nghiên cứu Kiến trúc, Viện Bảo tồn di tích, các trường đại học có đào tạo kiến trúc sư đều có hội kiến trúc sư của mình. Hội Kiến trúc sư Việt Nam là cơ quan Trung ương của các hội kiến trúc sư, là thành viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế(UIA).
Ngoài ra, kiến trúc sư còn tham gia hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Tổng hội Xây dựng...
·        Một số tạp chí kiến trúc - xây dựng
* Tạp chí trong nước
Tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
23 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội
Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp, phụ trương của Tạp chí Kiến trúc.
49 Đặng Dung, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Tạp chí Kiến trúc Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kiến trúc
389 Đội Cấn, Hà Nội
Tạp chí Quy hoạch Xây dựng của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn
37 Lê Đại Hành, Hà Nội
Tạp chí Xây dựng, Báo Xây dựng của Bộ Xây dựng
37 Lê Đại Hành, Hà Nội
Tạp chí Người Xây dựng của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam
* Tạp chí nước ngoài
Architectural Record - tạp chí kiến trúc Mỹ, tiếng Anh
Architecture ASIA - tạp chí của Hội Kiến trúc sư châu Á, tiếng Anh
Techniques Architecture - tạp chí kiến trúc của Pháp, tiếng Pháp
CREE - tạp chí nội thất, tiếng Pháp
URBANISME - tạp chí quy hoạch của Pháp….
·        Danh ngôn nghề kiến trúc
“Less is more” - ít mà là nhiều
Kiến trúc sư Mies van der Rohe, nói về sự tinh giản mới là cái biểu hiện nhiều nhất.
“Hình thức đi theo công năng”
Biểu hiện hình thức phải phục vụ cho công năng, hay cái đẹp phải đi liền với cái tiện dụng.
“Ngôi nhà là cái máy để ở”
Le Corbusier phát triển câu nói của Sant’Elia để nói kiến trúc trong thời đại công nghiệp, trọng công năng hơn hình thức.
“Kiến trúc là cuộc chơi của hình khối dưới sự chiếu rọi của ánh sáng”
Câu nói về tạo hình kiến trúc của Le Corbusier, nói lên tầm quan trọng của hình khối và ánh sáng.
“Kiến trúc là một cuộc chạy maraton, phải 30 năm sau anh mới bộc lộ được mình...”
Câu nói của Thom Mayne, kiến trúc sư đoạt Giải Pritzker 2005
Và rất nhiều câu nói nổi tiếng về kiến trúc khác đang đợi bạn tìm hiểu.

Bạn có nên chọn nghề kiến trúc

·        Cơ hội nghề nghiệp
Ngày nay, cơ hội để kiến trúc sư làm việc và phát triển tài năng rất lớn. Dù ở thành phố hay nông thôn, cao nguyên hay hải đảo, nếu có tài, bạn đều có thể kiếm được việc làm.
Nghề kiến trúc đa dạng, rộng khắp, nhiều đỉnh cao trong nền văn minh nhân loại. Có thể hôm nay bạn là học sinh phổ thông, vài năm nữa bạn sẽ là kiến trúc sư và vài chục năm sau, mọi người trên thế giới sẽ biết đến tên bạn - tác giả của một công trình kiến trúc lớn được xây trên mặt đất, dưới đáy biển hay xa tít trong vũ trụ.
Chúng ta có quyền tin vào điều đó!
·        Môi trường hoạt động
Kiến trúc sư làm việc trong các xưởng thiết kế, văn phòng tư vấn thiết kế khá tiện nghi. Đôi khi, họ đi thực địa, giám sát thi công... Những việc này vất vả hơn nhưng đem lại sự thích thú khác.
Do đặc thù nghề nghiệp, kiến trúc sư dễ trở thành nhà hoạt động xã hội. Nếu bạn là thành viên của những phong trào như “Đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình thương”, “1.000 trường học cho thiếu niên vùng sâu vùng xa” v.v..., bạn đã thực sự là con người xã hội.
Là nghề giao thoa của nghệ thuật - kỹ thuật - kinh tế - xã hội, kiến trúc sư còn là nghệ sĩ. Le Corbusier, Frank Gehry, V. Tatlin, Santiago Calatrava... đều là những kiến trúc sư - nhà điêu khắc lẫy lừng.
Kiến trúc sư cũng là những nhà khoa học kỹ thuật bởi khoa học và công nghệ chính là công cụ ruột của nghề. Frank Lloyd Wright, Tadao Ando rất tự hào vì những công trình của mình xây trên đất Nhật Bản đã qua được các trận động đất cấp 5, cấp 7 độ Richter.
·        Những thách thức, hạn chế và ràng buộc với kiến trúc sư
1. Phải làm việc với nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, bạn phải thông thạo và am hiểu công việc của mình để điều khiển và nối kết các vấn đề, bảo vệ thông suốt đồ án trước hội đồng với tư cách kiến trúc sư chủ trì. Đó là thách thức lớn thử nhất.
Kiến trúc là một cuộc chạy maraton, phải 30 năm sau anh mới bộc lộ được mình.
Kiến trúc sư Thom Mayne,
(Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2005)
2. Với bản thân, bạn phải tự vượt qua mọi cái dễ dãi, thông lệ nếu muốn khẳng định mình. Hàng năm nước ta có hàng nghìn kiến trúc sư tốt nghiệp các trường đại học. Có được một vị trí, tiếng nói chuyên môn trong giới là điều không dễ. Nhà thơ, họa sĩ có thể xuất thần sáng tác bài thơ hay, bức tranh đẹp. Kiến trúc sư nếu có phút giây thăng hoa đó, chỉ mới là phác thảo. Từ đây đến khi tác phẩm kiến trúc hoàn thành phải đo bằng năm tháng. Vất vả, dẻo dai và kiên trì lẵm mới đến đích. Đó là thách thức lớn thứ hai.
3. Đối với xã hội, ngoài trách nhiệm công dân, bạn phải là người hướng dẫn thẩm mỹ kiến trúc chứ không được làm người xu thời. Chỉ cần chiều theo ông chủ, nhà đầu tư hay thị hiếu trưởng giả của một lớp người nào đó, bạn sẽ mau chóng có công việc, mau chóng có tiền, nhưng cũng tự đánh mất mình luôn. Cái ranh giới này mỏng manh và dễ ngụy biện lắm. Đây là thách thức nghề nghiệp lớn nhất của kiến trúc sư.
4. Tác phẩm kiến trúc tổng hòa nhiều mối quan hệ, từ kinh tế đến nhu cầu xã hội, từ kỹ thuật đến nghệ thuật và thường được bày ra trước công chúng. Công trình xấu đẹp thế nào mọi người đều biết cả. Bạn phải có bản lĩnh và trách nhiệm của một kiến trúc sư chân chính để luôn hãnh diện với kiến trúc của mình, để người sử dụng hài lòng với không gian kiến trúc và không làm phí tiền xây đựng của nhà đầu tư. Đó có lẽ là ràng buộc lớn nhất của kiến trúc sư.
·        Những lý do để bạn chọn nghề kiến trúc
* Xã hội càng phát triển thì nhu cầu kiến trúc càng lớn và đa dạng, cơ hội để kiến trúc sư có việc làm càng nhiều.
* Nghề kiến trúc sư dễ bộc lộ năng lực cá nhân, giúp bạn sớm khẳng định mình. Có nhiều sinh viên đã đạt được giải thưởng quốc tế về kiến trúc. Các bạn hoàn toàn có thể làm được điều ấy nếu mạnh dạn, nỗ lực và tự tin.
* Kiến trúc dung hợp nhiều lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và nghệ thuật. Đó là môi trường thuận lợi để mở rộng kiến thức, cũng là nghề có nhiều rung động tình cảm, đi được vào tận cùng của bản năng sáng tạo.
* Kiến trúc cho bạn khả năng tổ chức môi trường sống của bạn, của gia đình bạn với chất lượng cao: tiện dụng, hợp lý và đẹp.
·        Một số tố chất cần thiết trong nghề kiến trúc
1. Năng khiếu là điều kiện đầu tiên cần có. Muốn vào học tại trường kiến trúc, bạn phải trải qua môn thi năng khiếu là môn vẽ. Trước đây chỉ thi vẽ tĩnh vật, bây giờ thêm thi năng khiếu tổ hợp thẩm mỹ. Năng khiếu mỹ thuật của sinh viên kiến trúc không yêu cầu cao như sinh viên mỹ thuật hay mỹ thuật công nghiệp và cũng rất khác hai ngành đó. Năng lực tư duy thẩm mỹ trong không gian, nhận thức và tạo dựng cái đẹp quan trọng hơn là năng lực vẽ. Tuy vậy, nếu bạn không biết vẽ thì sẽ rất khó học kiến trúc bởi vẽ là phương tiện chủ yếu để thể hiện tác phẩm kiến trúc.
2. Có năng khiếu vẽ và học lực khá trở lên với các môn tự nhiên là bạn có thể học kiến trúc. Đây là một ngành được ưa chuộng, được nhiều bạn trẻ chọn học và cũng có một chút “hãnh diện” với chúng bạn đấy. Nhưng chỉ có lòng say mê nghề mới đưa bạn đến với đỉnh cao kiến trúc.
3. Bạn có khả năng tự đọc và tự học. Kiến trúc là một nghề mà bạn không thể chỉ học ở trường. Có không ít câu chuyện về những kiến trúc sư tài ba như Frank Lloyd Wright, Tadao Ando... chưa từng tới trường kiến trúc, dù chỉ một giờ. Thành công của họ chính là kết quả của sự nỗ lực vươn lên và tự học hỏi tuyệt vời.
4. Giới tính cũng là một điểm đáng lưu ý khi bạn chọn nghề kiến trúc. Trên thế giới, rất ít kiến trúc sư nữ nổi tiếng so với kiến trúc sư nam. Trong các trường kiến trúc, sinh viên nữ ít hơn rất nhiều so với sinh viên nam. Những đòi hỏi về năng khiếu vẽ, năng lực tư duy trừu tượng và đặc biệt là phải thức đêm nhiều khiến ít bạn gái học kiến trúc.
Tuy nhiên, nếu bạn là nữ mà “trót” say mê nghề kiến trúc, trở ngại trên không phải là không thể vượt qua. Năm 2004, kiến trúc sư nữ Zaha Hadid được trao tặng giải thưởng kiến trúc Pritzker. Bà là người phụ nữ duy nhất cho đến nay được giải thưởng này. Và người tiếp theo tại sao lại không phải là bạn, bạn gái say mê kiến trúc?

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Tản mạn về Kiến trúc


Kiến trúc của chúng ta đang ngả mạnh về phía hiện đại. Đấy là xu thế tất yếu và là điều mừng. Nhưng không vì thế mà ta coi nhẹ việc tìm kiếm, ít ra là, cái riêng của nước mình cho kiến trúc. Bài học thành công của các đồng nghiệp Nhật Bản đáng để ta suy ngẫm về vai trò, vị trí và trọng trách của kiến trúc sư - tác giả công trình kiến trúc ở ta hiện nay.

Đình làng
Mối tương quan giữa 2 yếu tố “đương đại” và “truyền thống” luôn là vấn đề trung tâm trong cốt lõi của sáng tạo kiến trúc ở mọi quốc gia và trong mọi thời kỳ lịch sử. Điều này phản ánh bản chất của kiến trúc như một nghệ thuật gắn với đời sống, một nghệ thuật của cuộc sống. Ở nước ta vấn đề nói trên trong vòng mươi năm trở lại đây cũng đã được khẳng định rõ trong định hướng cho hoạt động văn học nghệ thuật là “tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”. Chúng ta nói như thế đã khá nhiều, trên mọi diễn đàn, và gần như trong giới sáng tạo nghệ thuật ai ai cũng thuộc lòng. Nhưng quả thực nói thì dễ, còn làm thì cực khó, nhất là làm trong sáng tác nghệ thuật. Nhìn nhận diện mạo kiến trúc ở ta gần đây dễ dàng thấy có sự áp đảo của kiến trúc hiện đại, chỉ ở đâu đó, trên một vài công trình còn cảm nhận được hơi thở của truyền thống (tuy là chỉ nặng về dáng vẻ bề ngoài). Đấy gần như là những phản ứng lẻ tẻ, yếu ớt và vô vọng. Lúc này khắp các đô thị lớn bé trong cả nước đâu đâu cũng đua nhau xây nhà cao tầng, chung cư hoặc văn phòng cho thuê, với kiến trúc mới, na ná nhau. Về mặt nào đó đây có thể coi là dấu hiệu mừng, phản ánh xu thế tất yếu của đất nước mở cửa, đang hội nhập vào thế giới ngày một phẳng ra trong cơn lốc của toàn cầu hoá.

Song nói đi là thế, cũng cần phải nói lại là những gì chúng ta đã làm và có được trên bình diện đất nước hôm nay chỉ là những bản sao vụng về của kiến trúc xứ người hàng mươi năm trước (!).

Ảnh minh họa: Dự án The Manor - Mỹ Đình, Hà Nội 

Trong kiến trúc, như nghệ thuật của sự sáng tạo, chúng ta vẫn đang là kẻ đi sau, chưa tìm ra được cái của mình và cho mình. Đã đến lúc cần nhận ra rằng, kéo dài thêm nữa tình trạng trên sẽ là một nguy cơ cho kiến trúc nước nhà. Không tìm được cái riêng, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là kẻ đi sau!

Xin hãy thử nhìn sang đất nước “mặt trời mọc” xem các đồng nghiệp ở đấy làm nghề ra sao? Có thể dễ dàng thấy được là kiến trúc họ làm ra thật hiện đại, nhưng ẩn sâu sau dáng vẻ hiện đại (có thể còn là tân kỳ) ấy cũng không khó khăn lắm để nhận ra hồn cốt của văn hoá và thẩm mỹ Nhật Bản. Theo tôi, đó là thành công lớn của các đồng nghiệp Nhật, và chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi, đi kèm với sự suy ngẫm và liên tưởng là: nhờ đâu mà họ có được thành công này? Và liệu có phải các kiến trúc sư ở Nhật được đặt đúng chỗ của mình trong công việc kiến thiết đất nước? hay do họ có được điều kiện làm nghề một cách thoả đáng? …


Kiến trúc do xã hội làm nên, hiển nhiên là vậy. Và cũng hiển nhiên rằng, một tác phẩm kiến trúc dưới dạng công trình xây dựng thì trước hết đó chính là con đẻ của kiến trúc sư. Ý tưởng - cái hồn cốt của công trình kiến trúc được nhào luyện và hình thành nên trong lao động sáng tác của kiến trúc sư, rồi mới được xã hội vật thể hoá, trở nên có hình hài mà góp mặt vào cuộc sống của cộng đồng. Nhận biết được sự liên đới giữa những gì vừa nói trên có thể giúp ích được cho chúng ta trong việc tìm cách thoát ra khỏi tình trạng “đi sau” của kiến trúc Việt Nam hiện nay. Có một thực tiễn đang hàng ngày đập vào mắt ta và đáng để suy ngẫm. Đó là những toà nhà có quy mô lớn, lại cao tầng, mà trước hết là các chung cư, thì ở đây cái “tôi sáng tạo” của kiến trúc sư thường là mờ nhạt, bị khoả lấp sau rất nhiều những đòi hỏi, những yêu sách nằm ngoài kiến trúc. Trong khi đó với những toà nhà vừa phải, chỉ cao đôi ba tầng, thì bút pháp nghề của kiến trúc sư tác giả lại cảm nhận được một cách thuyết phục, rõ nét. Phải chăng hiện tượng nêu trên khiến chúng ta nghĩ đến vị thế của kiến trúc sư như tác giả, xuyên suốt mọi giai đoạn công việc như hiện nay là có vấn đề. Anh ta được, và có thể, làm chủ công việc của mình ra sao? Tiếng nói của kiến trúc sư tác giả được cân đong đo đếm đến mức nào…? Những tình huống mà các câu hỏi đặt ra có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá trị của toà nhà. Cũng có thể vấn đề lại nằm ở tay nghề, ở tài năng và bản lĩnh chuyên môn của chính tác giả. Anh ta có đủ nhạy cảm nghề để nhận ra cái cần làm, và có đủ nghị lực và can đảm hay không để bảo vệ đứa con của mình khỏi những bóp nặn sỗ sàng, rình rập hàng ngày, từ khi còn là bản vẽ đến lúc xây dựng?

Các KTS trẻ tìm tòi ý tưởng mới - Ảnh : M House (Huế) / Thiết kế của KTS Nguyễn Xuân Minh, Giải Ba - thể loại Nhà ở - Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2008 (nguồn: Ashui.com)

Những khả năng vừa nêu trên cần được giới nghề chúng ta xem xét, mổ xẻ một cách khách quan, không chút định kiến, để từ đây có thể mong tìm được phương thuốc đúng bệnh. Việc này không ai khác ngoài Hội Kiến trúc sư chúng ta, như đoàn thể của những người cùng nghề sáng tác kiến trúc, và như một tổ chức xã hội có tính chính trị mà Đảng đặt ra, cần được coi là công việc hàng đầu cần làm lúc này, vì kiến trúc nước nhà.

Đôi điều tản mạn… bộc bạch trên, mong sao là có ích. 
http://mag.ashui.com

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Kiến trúc sư Nhật Bản: “Bí quyết của chúng tôi ở Việt Nam là ánh sáng và cây xanh”


anhsangcayxanh2
Sau đây là một số yếu tố giúp họ “hội nhập” ở Việt Nam mà họ đã chia sẻ:
Việt Nam là xứ nhiệt đới, vậy trong việc thiết kế kiến trúc cần chú ý yếu tố nào và cách giải quyết nó như thế nào?
- Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, miền Nam nóng ẩm, mưa nhiều và có ánh sáng mạnh. Chúng tôi tập trung giải quyết để nhà thông gió tự nhiên, ánh sáng điều tiết tốt và đưa cây xanh vào trong nhà. Đó là vấn đề chung, nhưng mỗi công trình lại có cách giải quyết cụ thể khác nhau tuỳ vị trí, hướng nhà và nhiều yếu tố khác. Trong nhà phố, chúng tôi dùng giải pháp mở rộng không gian nhất có thể. Thay vì các vách tường cứng ngăn cách các không gian khác nhau và cản luồng đi của không khí, chúng tôi thay bằng các vách ngăn di động lùa hoặc xếp. Như vậy khi cần, ta mở các vách và nhà có gió thông thoáng hơn, khi cần khép lại vẫn có không gian riêng tư.
Phía sau nhà, các bức tường có thể thay bằng các vách cửa chớp, tạo sự kín đáo mà vẫn thoáng. Có khi mặt tiền chúng tôi làm các lam ngang, đồng thời là những bồn cây. Cách này vừa thông gió vừa có cây xanh làm mát và cản bớt ánh sáng bên ngoài. Mặt sàn sát với mặt tiền nói trên xử lý một khe trống để gió có thể đưa xuống theo chiều dọc xuống các tầng. Vấn đề ánh sáng ở đây có nhiều thú vị. Nhà ống thì dài nên có chỗ quá nhiều ánh sáng, chỗ thì thiếu. Và chúng tôi có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Mặt trước một căn nhà phố tại TPHCM do nhóm kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, Daisuke Sansuki và Shunri Niszihawa thiết kế mới hoàn thành
    Người Việt Nam có cách sống, sinh hoạt và văn hóa khác, vậy các ông thiết kế những công trình sao cho phù hợp?
    - Do có thời gian ở đây đã tương đối lâu, chúng tôi tìm hiểu nhiều về phong tục tập quán của người Việt. Người Việt rất thích cây xanh và hoa, từ ngày xưa đã có câu “trước cau, sau chuối”. Trong các công trình chúng tôi rất chú ý chọn lựa và suy nghĩ cẩn thận về cây xanh. Chúng tôi dùng cây xanh như một yếu tố kiến trúc nên nó xuất hiện ngay từ ý tưởng đầu tiên. Kiến trúc và cây xanh là hai yếu tố quan trọng như nhau. Xứ nhiệt đới có nhiều loại cây, hoa đẹp như ở Việt Nam là điều kiện thuận lợi cho chúng tôi. Cây xanh được chúng tôi đưa vào giữa nhà, thậm chí cả phòng ngủ, như một yếu tố điều hoà không khí và mang lại cảm giác tốt cho người sống trong ngôi nhà. Một điều nữa, người Việt có thói quen ngồi thấp gần sàn nhà, như ngày xưa họ ngồi trên sập gụ, đi văng thấp, nên khi thiết kế chúng tôi xử lý bàn ghế cũng như nội thất thấp. Việc ngồi thấp này cũng là điều tốt, vì trong nhà không khí nóng thường ở trên cao, còn khí mát nằm chìm xuống dưới, nên ngồi thấp bao giờ cũng mát hơn.
    theo trelangkienviet

    Kiến trúc Việt đi về phía vô vọng?

    Làm thế nào để có những công trình kiến trúc Việt Nam vừa hiện đại, vừa mang bản sắc dân tộc, là kỳ vọng của người dân Việt Nam, của những ai quan tâm đến kiến trúc Việt. Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam về chủ đề này.

    Hình tượng hóa một cách thô thiển

    - Vài năm qua, đã có nhiều công trình kiến trúc quan trọng, mang tính biểu tượng được xây dựng ở Hà Nội, như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Nhà Quốc hội, và gần đây nhất là Nhà hát Thăng Long. Với những công trình ấy, yêu cầu đặt ra luôn là phải mang đặc trưng kiến trúc của Việt Nam, nhưng thiết kế được chọn đều của các KTS nước ngoài...

    KTS Nguyễn Văn Tất (ảnh bên): Nhà báo nhắc đến Nhà hát Thăng Long thì tôi phải nói thật. KTS Renzo Piano là một trong những KTS tôi cực kỳ yêu quý, nhưng tôi không thể chịu được bản thiết kế Nhà hát Thăng Long của ông (ít ra ngay từ những ấn tượng thị giác ban đầu) vì nó đụng chạm đến những vấn đề rất lớn về xúc cảm kiến trúc của mình.

    Ở cái nhìn đầu tiên, những đường nét của công trình khá phổ biến với các công trình hiện đại, những đường cong nghếch lên, rất tự nhiên, táo bạo. Nhưng tất cả cái đó đi ngược lại với cảm giác về chất lượng không gian của người Việt. Ở mình thì hoặc chùng xuống, hoặc ngang, chứ không nghếch mũi lên trời để đón nắng chói, mưa tạt. Bản thân việc bị "chệch" cách cảm xúc kiến trúc bằng những thói quen tiện nghi của người Việt đã là điểm yếu.

    Ở những nước xứ lạnh, dù nắng mùa hè chói chang nhưng người ta vẫn rất phóng khoáng, vẫn mở bung về phía mặt trời rất ngạo nghễ vì với họ đó là tiện nghi, là hạnh phúc. Nhưng ở mình thì lại cần tránh, cần che đậy nhiều nhất nếu có thể. Bạn đem niềm hạnh phúc ở chỗ khác tới để gợi niềm hạnh phúc ở đây là sai. Bản thân đường nét táo bạo đó đã sai với thói quen về cảm thụ sự an toàn về không gian, về khí hậu. Rồi một hình ảnh ngôi nhà trên hồ với những thanh chỏi như thế, nếu quy mô của một nhà sàn thì hợp, còn to như nhà hát thì có vẻ đánh đố về tỉ lệ cảm thụ.
    Những điều đó tôi không biết giãi bày với ông Renzo thế nào. Mình là KTS nhỏ, đứng ra phê phán một bậc thầy như thế có đúng không? Nhưng tôi cảm thấy rất bức xúc.

    Dường như ông tập hợp lực lượng tư vấn dữ dằn nhưng họ lại tư vấn sai, dẫn ông ấy đến những chuyện hình thức quá, không đi vào đúng bản chất của những giá trị Việt Nam.

    - Như cách Nhà Quốc hội (đang được xây dựng) được gắn thêm cái cổng cách điệu từ cổng đình, hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia được thuyết minh là "sóng Biển Đông"? Hay dịp Đại lễ vừa rồi, đi đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh cách điệu của Khuê Văn Các?

    Những người thiết kế các công trình nhà báo nhắc là những KTS lớn, lẫy lừng, nhưng tôi cảm nhận có một sự tư vấn, trong tư vấn đó lại có một sự thỏa hiệp để lấy được công trình. Họ gắng đi tìm một chi tiết nào đó để cố gợi lại cái gì đó cho có vẻ VN, nhưng lại mang tính chất hình thức.

    Anh hình tượng hóa một cách thô thiển những thứ rất giá trị, nên đã làm mất đi giá trị thực sự. Trong kiến trúc ai cũng biết vấn đề tỷ lệ, khi nho nhỏ thì nó là mình, còn phóng lớn lại... không ra. Cho nên từ một nhà sàn, một ngôi đình sẽ rất khác với một công trình khổng lồ hàng chục ngàn mét vuông sàn. Nếu ta cố tình đẩy về phía nào đó thì kệch cỡm ngay. 

    Phương án ý tưởng kiến trúc công trình Nhà hát Thăng Long do Renzo Piano Building Workshop thực hiện 

    Không thể lợi dụng, gượng ép

    - Từ mong ước chính đáng là tạo ra những công trình kiến trúc hiện đại thật sự Việt Nam, nhưng thực tế lại khó khăn hơn nhiều?
    Có thể nói, một trong những cái dở của quản lý nhà nước ở ta là anh nghĩ anh tiết kiệm, anh chắt bóp, nhưng thực ra, anh tầm thường hóa những giá trị hạ tầng xã hội bằng cách đưa ra những giá đầu tư mang tính chất phá hoại. Anh chỉ đốt tiền để tạo thành những đống vật liệu không có giá trị. Nếu so với công cuộc trong mấy năm của Trung Quốc để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008 đã để lại những công trình để đời, còn ta trong mấy chục năm vừa qua tiêu tốn gấp nhiều lần để chỉ tạo vô số công trình xấu xí.

    ...Cuộc sống đương đại đòi hỏi rất nhiều loại và đẳng cấp công trình khác nhau. Không phải lúc nào cũng tỉ tê một điệp khúc "bản sắc". Nhưng có một yêu cầu tối thiểu về văn hoá ứng xử là nếu chưa có gì để đóng góp về giá trị bản sắc mới thì ít nhất cũng không được tùy tiện gây phản cảm bằng những thứ dễ dãi, thô thiển, xa lạ với tập quán và mỹ cảm người Việt.  
    Tôi có thể nói thế này, nếu mình mãi trông đợi những đầu bếp xứ khác mang đến những món ăn chế tác mới tinh tế truyền thống Việt, thì liệu ta có thể chờ đợi gì ở đó?

    Nhắc đến kiến trúc Việt Nam truyền thống là nhắc đến những kiến trúc gắn liền với tâm thức Việt mà ai cũng cảm được như mái đình, chiếc cổng làng, con đường làng, ao nước, cầu khỉ, bóng đa...

    Những công trình cách điệu từ đó, còn tồn tại như Chùa Một Cột, đình Đình Bảng, đình Chu Quyến, chùa Keo... và lớn hơn nữa là những lăng tẩm, những thành phố như Huế hay Hà Nội thì ai cũng có thể cảm nhận, có thể tự hào là rất Việt Nam.

    Khi ta làm một công trình mới và tuyên bố đã cách điệu từ những yếu tố đó thì người xem sẽ dễ ve vuốt vào mỹ cảm Việt, "trông Việt Nam đấy"!

    Nhưng đó là bắt chước, lặp lại, hay giỏi hơn một bậc là vay mượn. Cuộc sống đương đại luôn đi về phía trước, tới phiên nó cũng phải tạo ra truyền thống cho cái tiếp theo. Nó có quyền tự do, có quyền sáng tạo, có quyền đưa ra những chuẩn mực mới.

    - Nhưng bằng cách nào, thưa ông?

    Việc đi tìm, khẳng định, thậm chí muốn trở thành mẫu mực là nhu cầu không chỉ của tự thân các nhà kiến trúc, mà là nhu cầu của cả cộng đồng. Nó cần một môi trường để được sinh ra, nuôi nấng và được khẳng định như những giá trị Việt mới. Cái đó có nhiều đường để đi, nhưng cách để nó ra đời thì chỉ có một: Anh phải hết sức có tâm trong công việc của anh, để rồi anh sẽ đạt tới một thành quả nào đó, không lợi dụng bất cứ phương tiện nào một cách cố tình, gượng ép để tỏ ra là mình là người tạo ra bản sắc mới.

    Anh tạo ra, anh thấm nó, rồi đến một lúc nào đó, cũng giống như sự sáng tạo trong bất kỳ lĩnh vực nào khác, anh thành công. Khi người ta làm mà lại nghĩ đến sự nổi tiếng, sợ một quyền lực nào đó, bị vụ lợi vì một lợi ích nào đó quá lớn, thì con đường đến gần với thành công càng xa vời.

    - Ông có tự tin mình đang đi đúng hướng?

    Tôi không dám khẳng định điều đó, nhưng tôi luôn tự vấn mình, tự nhủ mình phải theo con đường đó. Mong mỏi định hình kiến trúc Việt đương đại là điều trăn trở của rất nhiều người có tâm, nhưng tôi cho rằng gượng ép cũng không được, vì đó là sự kết tinh. Nó sẽ xuất hiện khi có duyên, có cơ may. Nhưng tôi nhắc lại, mọi việc phải tuân thủ con đường hết sức tự nhiên, hợp quy luật, hợp với sự mong muốn, quyền lợi của cả một cộng đồng trong một thời đại sống với những điều kiện tự nhiên, xã hội, công nghệ... chứ không ép được.

    Đình làng truyền thống Việt Nam (nguồn: Ashui.com) 
    Nhà khoa học còn cần có một Tổ quốc

    - Đúng là ta không thể ép, không thể sốt ruột, không thể ra thời hạn kiểu "đến 1000 năm Thăng Long" phải đạt, nhưng làm sao để như ông đã từng nói, là đừng mắc những sai lầm khó sửa chữa. Cái cách Việt Nam đang dựa vào các KTS danh tiếng của nước ngoài, để tạo ra những công trình mang tính cách điệu kiến trúc Việt Nam có là cách làm đúng?

    Đúng và không đúng! Đa phần đúng ở khía cạnh "dùng được", đa phần sai ở khía cạnh đi tìm sự "khai hóa" bản sắc Việt trong kiến trúc.

    Khi mình chưa có đủ lực, đủ tài năng để làm điều gì đó thì mình nên đứng về xu thế đúng, để may ra có cơ may, còn đứng về xu thế không đúng thì coi như vô vọng. Rất tiếc, điều kiện chung của xã hội ta hiện thời đẩy kiến trúc và quy hoạch về phía thiếu cơ may.

    Về kiến trúc thì người ta đang kỳ vọng vào sự khai hóa của lực lượng kiến trúc từ những nước đã phát triển, để mở mắt cho mình về chính điều thuộc về... truyền thống của mình. Điều đó tôi khẳng định, 100 lần cũng khẳng định giống nhau, là vô vọng.

    Nếu anh cần làm cái gì đó để nhận diện nhanh chóng về tính hình thức của kiến trúc Việt Nam đối với người nước khác thì có thể được, nên lâu nay họ lầm lẫn. Bạn cũng thấy đấy, một nhiếp ảnh gia nước ngoài tài năng sẽ chọn được góc để chụp ngay được vẻ Việt Nam. Còn ta chụp cả tỷ tấm hình nhưng chọn vài tấm để giới thiệu VN ra nước ngoài thì có khi lại chọn sai. Bởi quá quen thuộc mọi thứ lại khó nhận ra đâu là sự khác biệt với người ngoài.

    - Nghĩa là đang có sự nhầm lẫn giữa tính hình thức và bản sắc thật sự của kiến trúc Việt Nam hiện đại?

    Chính sự nhầm lẫn đó đẩy đến việc được sự chấp thuận của nhà nước, của các bộ ngành trung ương, các chủ dự án đã mời các KTS nước ngoài vào ồ ạt, mong muốn tạo ra những vấn đề thuộc về bản sắc của mình, trong khi cơ chế hợp tác hợp lý với các nguồn tri thức quý giá trong nước đã và đang lỏng lẻo một cách đau xót. Đó là lý do tại sao khi đi sâu vào những vấn đề sâu sắc hơn, thì ngay cả những KTS rất đình đám, đáng kính như thế cũng lúng túng.

    Tôi rất thích câu nói của Lev Tolstoi "Ngay cả nhà khoa học còn cần một tổ quốc, huống chi...". Ta cứ nghĩ nhà khoa học chỉ làm khoa học, họ là công dân toàn cầu, nhưng rõ ràng trong thâm tâm họ cần một chỗ dựa, một điều lớn lao để họ dâng hiến, tạo động lực cho họ. Huống chi nhà văn, họa sĩ, KTS... dứt khoát phải có một Tổ quốc, một nơi chốn mà chỉ riêng trực giác đã có thể đánh thức cho họ bao điều.

    Đây là một lầm lẫn rất nghiêm trọng, nhưng lại đang diễn ra rất ồ ạt. Bạn có biết, hiện thời đã có hàng chục bệnh viện từ Bắc chí Nam được thiết kế bởi một KTS Hàn Quốc. Có KTS ở TPHCM đã thẳng thắn gọi ông này là "thợ vẽ bệnh viện", bởi các công trình rất giống nhau. Ngay khi tôi đi chấm 2 công trình bệnh viện ở Vũng Tàu, 1 cái 200 giường, 1 cái 600 thì cũng nhác nhác nhau.

    Phải nói rõ là thiết kế bệnh viện rất phức tạp, bởi trong nó chứa hàng 500, 700 hạng mục nhỏ, nên một người chưa từng vẽ bệnh viện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Còn ông này đã có sẵn một số chi tiết mẫu nên sẽ lắp ghép vào rất dễ dàng. Nhưng không thể hy vọng tạo dựng được phong cách kiến trúc Việt Nam đương đại từ cách làm "lười" như thế.

    Tôi đành có lựa chọn của riêng mình, rằng những cuộc thi chỉ mời KTS nước ngoài như một định chế loại trừ về năng lực kiến trúc sư trong nước (trong đó chắc chắn là có cả tôi!) thì tôi từ chối lời mời tham gia chấm. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN - KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng đã có nhiều lần quyết định như vậy.
    • Ảnh bên : Trung tâm Hội nghị Quốc gia
    Đi về phía thiếu cơ may

    - Nãy giờ chúng ta nói nhiều về KTS nước ngoài, và ông đã khẳng định không thể trông chờ vào họ để tạo ra giá trị mới cho kiến trúc Việt Nam. Còn KTS Việt Nam đang ở đâu trong hành trình này? Có một thực tế nhức nhối là suất đầu tư cho những công trình kiến trúc ở Việt Nam quá thấp?

    Tôi xin được nhắc lại phạm vi trao đổi của chúng ta từ đầu. KTS nước ngoài, với nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm quản lý, thiết kế, kỹ thuật ... là người đồng hành cần thiết lắm chứ. Cái đáng nói là hệ quả xấu. Xu hướng lệch, nguy hiểm nhất của ta là "sính ngoại", nhờ người rất ít biết về cái của mình đi khai hóa cho mình.

    Còn lực lượng chủ thể, cảm rất tốt cái hồn của kiến trúc Việt Nam thì lại không có cơ hội, không được khuyến khích, không đủ kỹ năng để tổng hợp và chuyển nó thành giá trị mới. Cơ hội ngày càng teo tóp đi cho lực lượng lẽ ra phải là lò nung, là nồi hầm mang lại cơ hội nhất.

    Nói về suất đầu tư, tôi buộc phải đưa ra sự so sánh thế này. Khi chúng ta xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, suất đầu tư khoảng 3000 USD/m2 sàn, trong khi tất cả các công trình lớn của ta thời đó chỉ loanh quanh khoảng 4, 5 triệu đồng/m2 sàn. Một sự chênh lệch khủng khiếp. Với suất đầu tư teo tóp thế kia, bạn nghĩ KTS Việt Nam phải xoay sở thế nào để tạo ra những giá trị mới? Chưa kể, suất đầu tư từ Cà Mau đến Lạng Sơn là giống nhau. Nhà nước như thế nên tư nhân cũng nhìn vào nhà nước để ép KTS chúng tôi.

    Có thể nói, một trong những cái dở của quản lý nhà nước ở ta là anh nghĩ anh tiết kiệm, anh chắt bóp, nhưng thực ra, anh tầm thường hóa những giá trị hạ tầng xã hội bằng cách đưa ra những giá đầu tư mang tính chất phá hoại. Anh chỉ đốt tiền để tạo thành những đống vật liệu không có giá trị. Nếu so với công cuộc trong mấy năm của Trung Quốc để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008 đã để lại những công trình để đời, còn ta trong mấy chục năm vừa qua tiêu tốn gấp nhiều lần để chỉ tạo vô số công trình xấu xí.

    - Với những công trình thật sự hiện đại, không mang chút nào bản sắc Việt Nam, thì khả năng dung nạp vào một thành phố để không làm mất hồn cốt Việt là như thế nào?

    Cuộc sống đương đại đòi hỏi rất nhiều loại và đẳng cấp công trình khác nhau. Không phải lúc nào cũng tỉ tê một điệp khúc "bản sắc". Nhưng có một yêu cầu tối thiểu về văn hoá ứng xử là nếu chưa có gì để đóng góp về giá trị bản sắc mới thì ít nhất cũng không được tùy tiện gây phản cảm bằng những thứ dễ dãi, thô thiển, xa lạ với tập quán và mỹ cảm người Việt.

    Việc đó có thể điều tiết được bằng phối hợp và công nhận lẫn nhau trong công tác tư vấn giữa các quốc gia, mà lâu nay ở Việt Nam là một khoảng trống lớn đầy rủi ro (chưa có Luật Kiến trúc sư, chưa có Kiến trúc sư đoàn... như thông lệ các quốc gia khác). Cơ hội (và cả quy định) để tư vấn nước ngoài tìm cộng tác tin cậy trong nước rất thiếu ràng buộc.

    Cơ hội và năng lực tài chính để tư vấn trong nước tìm cộng sự nước ngoài càng hiếm hoi hơn. Và như thế, cục diện này không còn là câu chuyện nghề nghiệp, câu chuyện quyền lợi hay đạo đức, văn hoá hay thực dụng mà đã trở thành câu chuyện thời cuộc, câu chuyện ứng xử đủ tầm của các chính sách quốc gia.
    http://mag.ashui.com