Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Bạn Muốn biết


       Lược sử kiến trúc
Ngày xưa...
Con người dựng nên những công trình kiến trúc làm chỗ ở: những ngôi nhà, cung điện, lâu đài hay cả một thành phố. Để vinh danh chiến công hay các bậc anh hùng, người ta xây tượng đài, đền thờ. Để gửi gắm đức tin, họ xây đền miếu, đình chùa... Để sinh hoạt cộng đồng, con người có nhà hát, quảng trường, công viên hay phố, chợ... Vua chúa tin rằng có cuộc sống thứ hai sau khi băng hà nên các pharaoh xây kim tự tháp ở Ai Cập cổ đại, các vua nhà Nguyễn xây dựng lăng tẩm ở Cố đô Huế.
Người Hy Lạp cổ đại dựng đền thờ để tôn vinh các vị thần bảo hộ thành phố của mình. Người La Mã xây dựng những đấu trường khổng lồ, nhà tắm công cộng nguy nga và sang trọng để vui chơi, giải trí. Ngư'ời Trung Quốc nổi tiếng với Vạn Lý Trường Thành và các thành trì cổ để bảo vệ chủ quyền thời loạn lạc chiến chinh. Nhiều nước châu Âu vẫn còn nguyên các lâu đài, pháo đài, thành phố, quảng trường và đường phố trung cổ như những dấu tích của thời hình thành các tiểu vương quốc độc lập, thương mại phát triển.
Và rồi các công trình kiến trúc đó tồn tại mãi với thời gian như những biên niên sử bằng đá, bằng gạch hay gỗ. Người ta nói “kiến trúc là bản nhạc câm làm rung động lòng người hàng thế kỷ” có lẽ là vậy.
Để lưu danh, học tập và quảng bá, người ta gắn chúng với tên của một địa danh, một vị vua, một vị thần hay một đấng thánh linh. Kim tự tháp Cheops được đặt theo tên pharaoh Khufu (Cheops) thời Ai Cập (năm 2500-2465 TCN). Đền thờ lớn Thanjavur theo tên một thành phố cổ ở Ấn Độ. Còn tác giả đích thực của chúng, các kiến trúc sư, những người tạo ra hình hài, khối tích, quy mô hay sắc màu cho công trình kiến trúc thì hầu như không ai biết đến. Ngày xưa, kiến trúc sư thường vô danh hay buộc phải vô danh như vậy.
Những kiến trúc sư cổ đại được biết đến nhiều nhất là Hyppodamus ở Miletus, nhà quy hoạch đô thị, tác giả của đô thị cổ đại Hy Lạp Ionian, hai kiến trúc sư Ictinus và Callicrates - tác giả ngôi đền Parthenon nổi tiếng ở Athena, Hy Lạp. Học thuyết và phương pháp quy hoạch của Hyppodamus ảnh hưởng đến hầu hết các đô thị châu Âu cổ đại và cận đại. Đền Parthenon là một khuôn thước mẫu mực về tỉ lệ và nhịp điệu trong kiến trúc phương Tây. Hình ảnh ngôi đền được dùng để tạo thành biểu tượng của UNESCO, tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc.
Và bây giờ...
Kiến trúc sư không chỉ sáng tạo hình hài, vóc dáng và sắc màu mà cả hồn vía và cuộc sống cho công trình. Nhà hát ca kịch Opera Sydney là niềm tự hào và biểu tượng của Ôxtrâylia. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp có tháp Eiffel như một biểu tượng của nền văn minh nước Pháp và khát vọng chiếm lĩnh độ cao của con người. Cuối thế kỷ XX, người Malaysia ngẩng cao đầu nhìn toà tháp đôi Petronas thuộc loại cao nhất thế giới.
·        Kiến trúc sư trong sổ tay của bạn - Họ đã thành công như thế nào?
Nếu bạn say mê kiến trúc, hẳn bạn từng nghe nói tới những kiến trúc sư thiên tài dưới đây. Họ đến với kiến trúc từ rất nhiều con đường khác nhau, ở những thời đại khác nhau, với những quan niệm, phong cách rất khác nhau. Những kiến trúc sư được biết đến nhiều nhất là:
Hippodamus: quy hoạch gia cổ đại Hy Lạp, người đưa ra mạng ô vuông cho tổ chức quy hoạch đô thị.
Ictinus và Callicrates: kiến trúc sư Hy Lạp, tác giả của ngôi đền Parthenon, hình ảnh được UNESCO chọn làm biểu tượng.
Vitrivius: nhà lý luận và lịch sử kiến trúc cổ đại, người La Mã.
Andrea Palacio: kiến trúc sư, nhà lý luận thẩm mỹ kiến trúc kinh điển, đưa ra nhiều “khuôn vàng thước ngọc” cho kiến trúc cổ điển châu Âu.
Ebenezer Howard: quy hoạch gia người Anh, đề xuất mô hình Thành phố vườn (Garden city) còn ảnh hưởng đến ngày nay.
Soria Y Mata: quy hoạch gia người Tây Ban Nha, đề xuất mô hình Thành phố tuyến (Linear city), ảnh hưởng nhiều đến các thành phố đương đại.
Le Corbusier (Pháp), Walter GropiusMies Van der Rohe (Đức), Frank Lloyd Wright (Mỹ) được coi là bốn kiến trúc sư bậc thầy của thế kỷ XX.
Giờ chúng ta hãy khám phá bí quyết thành công của một số kiến trúc sư nổi tiếng nhé.
Kỹ sư người Pháp Gustave Eiffel (1832-1923) khi thiết kế tháp cao 300m ở Triển lãm quốc tế Paris 1889 đã bị hầu hết các nhà văn hoá, nhà hoạt động xã hội của Paris phản đối dữ dội, trong đó có nhà văn Maupassant, Zola, Sully-Prudomme. Nhưng ông đã thắng, ngọn tháp bây giờ mang tên ông: tháp Eiffel, và là biểu tượng của nước Pháp.
Frank Lloyd Wright (1869-1959) có thể coi là kiến trúc sư vĩ đại nhất thế hệ của ông ở Mỹ. Ông là cha đẻ của trường phái “Kiến trúc hữu cơ”, hoà quyện công trình kiến trúc và thiên nhiên. Tư tưởng kiến trúc của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Kiến trúc sư người Đức Walter Gropius (1883-1969) là người sáng lập Trường kiến trúc Weimar với mô hình đào tạo kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật, giữa giảng đường và công xưởng, giữa xã hội và nhà trường v.v... Ngoài kiến trúc, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp, thiết kế nội thất, thiết kế dàn dựng sân khấu, thiết kế đồ họa... là những ngành đầu tiên trên thế giới được đào tạo chính quy tại đây. Mô hình đào tạo ấy sau này được áp dụng trong hầu hết chương trình đào tạo kiến trúc sư của các trường kiến trúc quốc tế.
Le Corbusier (1887-1965), kiến trúc sư người Pháp gốc Thụy Sĩ, tiền bối của kiến trúc công năng - kiến trúc lấy cái hợp lý của tổ chức không gian và sử dụng làm đầu. Ông cũng là nhà lý luận kiến trúc, người đề ra nhiều quan điểm kiến trúc hiện đại được chấp nhận rộng rãi và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ kiến trúc sư, như thành phố có bốn chức năng chính: ở, làm việc, đi lại và giải trí. Cũng như Frank Lloyd Wright, Le Corbusier không học hết chương trình đào tạo mà tự học là chủ yếu. Ông đã thực hiện một chuyến du lịch hầu hết các nước châu Âu để vẽ và ghi chép về các công trình nổi tiếng, học hỏi và suy ngẫm về nghề.
Tadao Ando (1941), kiến trúc sư Nhật Bản, được đánh giá là kết hợp thâm nhuyễn văn hoá Đông - Tây trong kiến trúc. Năm 1995, ông được trao Giải thưởng kiến trúc Pritzker (giải thưởng cao quý tương đương giải Oscar trong điện ảnh). Tadao Ando chưa bao giờ đến trường kiến trúc để học, dầu chỉ một giờ. Theo gương Le Corbusier, ông tự học chủ yếu bằng tham quan, ghi chép, đọc sách, phân tích và nghiền ngẫm.
Thom Mayne (1943), kiến trúc sư người Mỹ được giải thưởng Pritzker 2005, từng bị trường Harvard đuổi việc vì những đề xuất táo bạo, phi chính thống. Sau nhiều năm thất nghiệp, ông cùng đồng nghiệp tự lập ra trường kiến trúc không chính thống Nam California để tồn tại. Phải 30 năm sau, Thom Mayne mới được công nhận ở tầm quốc tế. Kiến trúc của ông được coi là Mỹ nhất trong kiến trúc Mỹ thời hiện đại.
·        Những đỉnh cao kiến trúc
Hai năm một lần, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức Giải thưởng kiến trúc. Kiến trúc sư được Giải thưởng kiến trúc là một niềm vinh dự lớn, cũng là cơ hội khẳng định năng lực sáng tác của mình.
Ngoài ra, các tạp chí kiến trúc - quy hoạch xây dựng như Tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kết hợp với các tổ chức và nhà tài trợ khác cũng tổ chức các cuộc thi chuyên đề. Đó cũng là dịp để kiến trúc sư bộc lộ, thử thách năng lực sáng tác.
Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho sinh viên kiến trúc và kiến trúc sư trẻ. Ngoài ra, còn có nhiều cuộc thi quốc tế khác. Kiến trúc sư Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế rồi đấy. Đó là những đỉnh cao bạn có thể hướng đến và chiếm lĩnh.
Hàng năm, Hội Kiến trúc sư các nước đều trao giải thưởng kiến trúc cho các công trình và kiến trúc sư tiêu biểu. Danh giá nhất là Giải thưởng Kiến trúc Pritzker (Mỹ), Giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Hoàng gia Anh.
·        Một số địa chỉ trong sổ tay của bạn
Bộ Xây dựng
37 Lê Đại Hành, Hà Nội
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng
55 đường Giải Phóng, Hà Nội
Trường ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh
196 đường Pasteur, TP. Hồ Chí Minh
Khoa Kiến trúc, Trường ĐHDL Đông Đô
Số 10 Chương Dương Độ, Hà Nội
Khoa Kiến trúc, Trường ĐHDL Phương Đông
201B Trung Kính, Nhân Hòa, Hà Nội
Khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện ĐH Mở
85 Lương Định Của, phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Khoa kiến trúc Xây dựng, Trường ĐHDL Văn Lang
45 Nguyễn Khắc Nhu, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế
Số 27 Nguyễn Huệ, TP. Huế
Viện nghiên cứu Kiến trúc
389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Hội Kiến trúc sư Việt Nam
23 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh
88 Mạc Đĩnh Chi, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh
·        Các tổ chức nghề nghiệp của kiến trúc sư
Hầu hết các tỉnh trong nước đều có Hội Kiến trúc sư địa phương. Các đơn vị tư vấn lớn như Công ty tư vấn xây dựng dân dụng, Công ty tư vấn xây dựng công nghiệp, hay Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, Viện Nghiên cứu Kiến trúc, Viện Bảo tồn di tích, các trường đại học có đào tạo kiến trúc sư đều có hội kiến trúc sư của mình. Hội Kiến trúc sư Việt Nam là cơ quan Trung ương của các hội kiến trúc sư, là thành viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế(UIA).
Ngoài ra, kiến trúc sư còn tham gia hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Tổng hội Xây dựng...
·        Một số tạp chí kiến trúc - xây dựng
* Tạp chí trong nước
Tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
23 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội
Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp, phụ trương của Tạp chí Kiến trúc.
49 Đặng Dung, Q.1, TP. Hồ Chí Minh
Tạp chí Kiến trúc Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kiến trúc
389 Đội Cấn, Hà Nội
Tạp chí Quy hoạch Xây dựng của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn
37 Lê Đại Hành, Hà Nội
Tạp chí Xây dựng, Báo Xây dựng của Bộ Xây dựng
37 Lê Đại Hành, Hà Nội
Tạp chí Người Xây dựng của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam
* Tạp chí nước ngoài
Architectural Record - tạp chí kiến trúc Mỹ, tiếng Anh
Architecture ASIA - tạp chí của Hội Kiến trúc sư châu Á, tiếng Anh
Techniques Architecture - tạp chí kiến trúc của Pháp, tiếng Pháp
CREE - tạp chí nội thất, tiếng Pháp
URBANISME - tạp chí quy hoạch của Pháp….
·        Danh ngôn nghề kiến trúc
“Less is more” - ít mà là nhiều
Kiến trúc sư Mies van der Rohe, nói về sự tinh giản mới là cái biểu hiện nhiều nhất.
“Hình thức đi theo công năng”
Biểu hiện hình thức phải phục vụ cho công năng, hay cái đẹp phải đi liền với cái tiện dụng.
“Ngôi nhà là cái máy để ở”
Le Corbusier phát triển câu nói của Sant’Elia để nói kiến trúc trong thời đại công nghiệp, trọng công năng hơn hình thức.
“Kiến trúc là cuộc chơi của hình khối dưới sự chiếu rọi của ánh sáng”
Câu nói về tạo hình kiến trúc của Le Corbusier, nói lên tầm quan trọng của hình khối và ánh sáng.
“Kiến trúc là một cuộc chạy maraton, phải 30 năm sau anh mới bộc lộ được mình...”
Câu nói của Thom Mayne, kiến trúc sư đoạt Giải Pritzker 2005
Và rất nhiều câu nói nổi tiếng về kiến trúc khác đang đợi bạn tìm hiểu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét