TTO - Sáu năm sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc của Đại học Công nghệ Sydney (Úc) với tấm bằng loại ưu, Linda Bennet chia sẻ những điều không đến từ sách vở mà do cô tự rút ra khi còn ngồi trên giảng đường.
Kinh nghiệm này đã giúp cô đạt điểm cao nhất trong các môn lịch sử, lý luận, xây dựng, thực tiễn thiết kế và giành học bổng học tiếp ở Los Angeles (Mỹ).
Trường đại học Cornell - Ảnh minh họa: Matthew Carbone |
1. Thắng thua không quan trọng
Một khi bạn ngừng chú tâm vào việc người khác làm hay nghĩ gì, bạn sẽ tập trung vào chiến lược và giá trị của từng thiết kế của mình. Hãy lập ra những tiêu chuẩn và thước đo cho riêng mình hơn là quan tâm đến những kỳ vọng mà người khác áp đặt lên bạn. Sắp xếp tác phẩm của mình và tìm những diễn đàn uy tín để trình bày ý tưởng, nhận lấy ý kiến đóng góp và phát triển. Hãy luôn hài lòng với thành quả đạt được, đừng xem trọng điểm số và những người xung quanh. Kiến trúc ngày nay thú vị một phần là do mỗi cá nhân có thể đóng góp cảm nhận, biện luận và phương pháp độc đáo của riêng mình.
2. Giáo viên là khách hàng
Giống như khách hàng, giáo viên cần được nhìn, hiểu và tin vào giải pháp và quá trình thiết kế của bạn. Bạn cần có khả năng thuyết phục giáo viên rằng thiết kế của bạn đã được cân nhắc cẩn thận và bám sát yêu cầu bản tóm tắt. Trong một cuộc thi thiết kế, công ty truyền đạt ý tưởng tốt nhất bằng nhiều phương tiện thường trúng thầu. Tương tự, sinh viên truyền đạt được ý tưởng tốt nhất trong trường kiến trúc có cơ hội đạt điểm số cao.
3. Giữ vững động lực
Giáo viên cần thấy tiến bộ của sinh viên qua từng tuần. Bạn cần bắt đầu triển khai thiết kế từ ngày đầu tiên và giữ vừng phong độ như thế. Những đề án thành công thường không phải được hoàn thành chỉ sau một đêm. Nếu không có động lực, sinh viên sẽ không thể đạt được kết quả đặt ra, đòi hỏi sự cân nhắc sâu sắc và quy trình liên tục. Động lực còn giúp loại bỏ những thay đổi trong thiết kế vào phút chót, thường đem lại rủi ro hơn thành công.
4. Phá vỡ quy tắc
Một bản thảo thiết kế thường có nhiều quy tắc: “Căn nhà phải cao hai tầng”, “Bạn phải xây cách mặt đường 6m”. Tuy nhiên, nếu bạn có giải pháp tốt hơn, hãy phá vỡ hay thương thảo quy tắc với khách hàng. Tuy nhiên, phải luôn phải hiểu tại sao vì sự tò mò sẽ dẫn đến khám phá mới. Hãy nghĩ xem công trình kiến trúc sẽ ra sao nếu được thực thi theo hướng ngược lại. Nếu biết cách phá vỡ quy tắc đúng chỗ, có lẽ thiết kế của bạn sẽ trở nên khác biệt với người khác hay trở thành đề tài thảo luận để học hỏi thêm. Trong thực tế, nhiều kiến trúc sư như Bernard Tschumi, Arakawa và Gins đã phá vỡ luật lệ, sắp xếp lại logic truyền thống, chỉ ra vấn đề từ lối mòn trong suy nghĩ và giới thiệu giải pháp thiết kế mới.
5. Tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau
Nên tìm những người có sức ảnh hưởng hay có thể cho bạn lời khuyên đến từ những ngành khác ngoài kiến trúc. Bạn sẽ học hỏi được nhiều góc nhìn và lối suy nghĩ khác nhau, áp dụng lại cho ngành kiến trúc, tạo ra một diễn đàn rộng và thu hút để thảo luận và đàm phán. Theo học những khóa như nhân chủng học, sinh học hay làm đồ gốm sẽ giúp bạn mở rộng kỹ năng, tiềm năng và cách nghĩ về ngành học bạn đang theo đuổi.
6. Giữ vững lý lẽ và quyết tâm
Những kiến trúc sư làm thay đổi cuộc chơi là những người biện luận mạnh mẽ cho lý lẽ của mình và có quyết tâm rõ ràng. Để bênh vực những điều họ tin tưởng, họ không đứng trước chiếc xe mà ngồi sau vôlăng. Ở một thời điểm nào đó, sinh viên kiến trúc thường cảm thấy nặng nề, chán nản những gì mình làm. Đó là lúc dừng lại, tự hỏi tại sao và đánh giá lại. Đừng nghĩ rằng bạn làm việc vì bạn bắt buộc như thế, mà là vì bạn muốn làm. Hãy để cho thái độ mạnh mẽ của bạn tạo cảm hứng và vực dậy những người xung quanh.
7. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Công cụ, kỹ thuật và phương pháp giao tiếp sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng truyền đạt ý tưởng thiết kế của bạn. Cần phát triển kỹ năng giao tiếp bằng thị giác, ngôn ngữ nói và viết. Kiến trúc sư Bjarke Ingels lý giải nguyên nhân thắng một cuộc thi kiến trúc là vì ông là một người có tính hướng ngoại. Ông đã thành công trong việc truyền đạt ý tưởng, cách tiến hành và giải pháp qua cách kể chuyện xúc tích, nhẹ nhàng. Khả năng truyền tải ý tưởng của bạn là búa và đục trong tay!
8. Xây dựng những mối quan hệ hữu ích
Những mối quan hệ bạn xây dựng được trong và ngoài trường học là bước đầu trong việc định hình tầm nhìn và tìm ra lối đi trong ngành kiến trúc. Nhiều đối tác kiến trúc là bạn học của nhau từ thời đại học. Hãy xem những người bạn gặp ở trường là mối liên hệ triển vọng cho tương lai. Tìm hiểu về những sự kiện đang diễn ra trong trường, tham gia và làm quen với những người trong các lĩnh vực. Nói chuyện với càng nhiều người càng tốt để mở rộng cửa cho các cơ hội phát triển và tìm kiếm bạn bè, đối tác mới cho nghề nghiệp của mình.
9. Học cách quản lý dự án
Kiến trúc sư cần phải là những nhà quản lý tốt. Kiến trúc là một ngành bao gồm cả định tính và định lượng. Không bao giờ có đích đến vì ai cũng muốn thiết kế của mình hoàn hảo và luôn ao ước được làm bằng cách này hay cách khác. Theo nguyên lý Parkinson, một nhiệm vụ được xem là quan trọng hay phức tạp tỉ lệ thuận với thời gian được giao để hoàn thành nó. Hiểu được mức độ quan trọng của một công việc cho phép bạn chia thời gian tập trung vào những thứ cần thiết và đưa ra những quyết định đúng đắng đề đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc, phương thức để đạt được lợi ích tối đa.
10. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào kết quả
Nhiều sinh viên thường giới hạn dự án của mình bằng cách tiên đoán kết quả thiết kế quá sớm khi còn trong quá trình thực hiện. Nếu bạn quá chú tâm và một kết quả có sẵn, bạn tự tách mình khỏi cơ hội khám phá những gì bạn không đoán trước được. Ngược lại, nếu bạn để mình tự khám phá và nắm bắt chuỗi sự kiện tình cờ xảy ra, bạn sẽ trở nên thấu đáo và phát triển trực giác và linh cảm của mình.
Có thể bạn sẽ bất ngờ về sản phẩm độc đáo mình làm ra và trở nên hài lòng hơn với bất kỳ điểm số nào. Hãy tự tìm ra đường đi của mình, gắn bó và chủ động vì không ai có thể chỉ bạn câu trả lời. Chính bạn phải khám phá và tạo ra đáp án. Kiến trúc hấp dẫn bởi nó đầy tính bất ngờ.
Theo Arch Daily
0 nhận xét:
Đăng nhận xét