Kienviet.net – Tại buổi giao ban kiểm điểm tiến độ các dự án, cụm công trình trọng điểm của thành phố, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ cho các dự án trọng điểm của thành phố, tới đây, Hà Nội sẽ áp hệ số đền bù khi giải phóng mặt bằng theo từng khu vực.
Sáng 22-11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì giao ban tiến độ các dự án, cụm công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2011-2015 để đánh giá lại những nguyên nhân chủ quan, khách quan đặc biệt với những dự án chậm triển khai để có giải pháp thích hợp.
“Nút thắt” mặt bằng, nguồn vốn
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chính khiến các dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng diễn ra chậm, chính sách đền bù vẫn còn nhiều bất cập, giá đền bù chưa đáp ứng sát giá thị trường.
Trong số 55 dự án trọng điểm, đến thời điểm này nhiều nơi còn chưa lập phương án giải phóng mặt bằng, nhiều xã chưa xác định được nguồn gốc đất trong khi các chủ đầu tư gần như đứng ngoài cuộc. Có một số quận, huyện có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như: Sóc Sơn, Ba Vì, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ… nhưng lại chỉ có một cán bộ địa chính để thẩm định nguồn gốc hồ sơ đất đai khiến cho tiến độ ách tắc.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ tháng 5/2012, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch tiến độ chi tiết 37 công trình, cụm công trình trọng điểm (trong tổng số 55 công trình) trong đó có 35 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hai dự án chuẩn bị hoàn thành và 18 dự án trong giai đoạn thực hiện. Tổng mức đầu tư dự kiến cho 55 dự án là 163.649 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong năm 2012, số tiền vốn được phê duyệt mới chỉ đạt 2.531 tỷ, đạt khoảng 2% nhu cầu của các dự án, đây cũng là một nguyên nhân khiến tiến độ các dự án không đạt kế hoạch.
Về tiến độ triển khai, đã có hai dự án hoàn thành đưa vào sử dụng; 12 dự án triển khai đúng tiến độ, còn lại 41 dự án bị chậm tiến độ. Trong số 41 dự án chậm tiến độ, có 31 dự án chậm trong công tác chuẩn bị đầu tư, một dự án khối nông nghiệp chậm trong công tác chuẩn bị thực hiện, chín dự án chậm thực hiện đầu tư. Một số dự án đến nay chưa xác định được địa điểm đầu tư như: hai cơ sở hỏa táng ở phía Bắc và Nam Thành phố.
Ông Nguyễn Quang Mạnh – Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, hiện Ban đang có hai dự án trọng điểm là tuyến đường sắt số 3 và Tuyến đường Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đều bị vướng vì mức đầu tư.
Tình trạng thiếu vốn, cần bổ sung nguồn vốn kiểu này cũng xảy ra ở dự án bệnh viện 1.000 giường ở Mê Linh và nhiều dự án khác.
Những nguyên nhân trên đã gây ra khó khăn về triển khai dự án đúng tiến độ tại thời điểm mà thị trường bất động sản đang trầm lắng, không thu hút được nhà đầu tư. Theo như nhận định của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng: “Nếu cứ đi theo đường đó thì chắc chắn là chậm tiến độ”.
“Áp” hệ số đền bù GPMB theo khu vực
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định: Nguyên nhân chính của tình trạng chậm triển khai là do thiếu vốn, quy trình, thủ tục trong quá trình chuẩn bị xây dựng còn nhiều, dẫn đến chậm thực hiện, các cấp, các ngành chưa thực sự quyết liệt giải quyết các khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, trong năm 2013, TP sẽ thúc đẩy việc hoàn thành 18 công trình dự án đang thực hiện, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình dân sinh bức xúc như hỏa táng, rác thải, nước thải, ô nhiễm lòng sông… Về nguồn vốn, TP cố gắng có mức giải ngân như năm 2012 dù dự báo thu ngân sách khó khăn. Với các nguồn khác, cố gắng cân đối theo tiến độ yêu cầu như phát hành trái phiếu.
Về vấn đề giải phóng mặt, Chủ tịch đã giao Sở Tài chính cùng Sở Tài nguyên và Môi trường xác định từng khu vực để đưa ra hệ số đền bù tương ứng, sau đó trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua và công bố rộng rãi. Với những trường hợp không đủ hồ sơ bồi thường phải đưa vào diện đặc thù giải quyết ngay. “Công bố công khai minh bạch hệ số, nếu chủ đầu dư có dự án ở khu vực nào thì cứ hệ số đền bù của khu vực đó mà áp” – ông Thảo nói.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ cần đổi mới cơ chế và cách làm tái định cư, phát triển nhanh quỹ nhà tái định cư bằng phương thức xã hội hóa.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ cần đổi mới cơ chế và cách làm tái định cư, phát triển nhanh quỹ nhà tái định cư bằng phương thức xã hội hóa.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị cần tiến hành rà soát lại năng lực các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, cần thiết rút lại dự án đối với những chủ đầu tư không có năng lực chuyên môn để giao cho các ban quản lý chuyên ngành hoặc các chủ đầu tư khác có năng lực.
Theo DDDN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét